Bosch: Chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong ngành ô tô không còn hiệu quả
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC mới đây, Harald Kroeger, một thành viên của ban quản trị Bosch, nói rằng các chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã bị thắt chặt trong năm ngoái, giữa bối cảnh nhu cầu về chip trong mọi lĩnh vực, từ ô tô đến sản xuất máy chơi game và bàn chải đánh răng điện đều tăng vọt trên toàn thế giới.
Trong lúc nhu cầu gia tăng, một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn quan trọng lại buộc phải tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Vào tháng 2/2021, một cơn bão tuyết ở Texas đã gây ra tình trạng mất điện tại NXP Semiconductors, nhà cung cấp chip lớn cho ô tô và điện thoại di động.
Vào tháng Ba năm nay lại xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà máy bán dẫn Renesas của Nhật Bản, một trong những nhà cung cấp chip lớn nhất của ngành công nghiệp xe hơi.
Trong tháng Tám này, các nhà máy bán dẫn ở Malaysia (Ma-lai-xi-a) đã bị đóng cửa do quy định phong tỏa xã hội của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Hai hãng sản xuất ô tô của Đức là Volkswagen và BMW đã cắt giảm sản lượng do phải vật lộn để có được lượng chip cần thiết phục vụ hoạt động chế tạo.
Ông Kroeger cho biết, các công ty và nhà cung cấp chất bán dẫn hiện đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng chip.
Theo ông Kroeger, các vấn đề về chuỗi cung ứng chất bán dẫn đã được ngành ô tô xoay sở một cách âm thầm nhưng giờ là lúc để thay đổi, bởi nhu cầu chip sẽ chỉ tăng lên khi sản lượng xe điện và xe tự hành tăng.
Nhà phân tích Francois-Xavier Bouvignies của ngân hàng UBS cho hay, mỗi chiếc ô tô sử dụng động cơ đốt trong thường sử dụng lượng chip trị giá khoảng 80 USD trong hệ thống truyền động, nhưng ô tô điện sử dụng số chip có trị giá khoảng 550 USD.
Trong hai năm qua, Bosch đã xây dựng một nhà máy bán dẫn mới trị giá 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) ở Dresden - thủ phủ bang Sachsen của Đức và là một trong những nơi sản xuất bán dẫn lớn nhất châu Âu.
Nhà máy mới này đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng trước. Điều này cho thấy Bosch đang kỳ vọng nhu cầu chip sẽ tăng lên đáng kể.
Các công ty sản xuất chip lớn khác bao gồm Intel và TSMC cũng đang có kế hoạch thành lập các nhà máy mới trong vài năm tới để thúc đẩy sản lượng. Kroeger dự kiến tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2022 và hy vọng nhu cầu chip vẫn ổn định.