Bóng dáng Pharmacity sau lô trái phiếu hơn nghìn tỷ đồng của Maroon Bells
Ngày 18/8 vừa qua, CTCP Maroon Bells (MRB) đã phát hành thành công 1.023 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu với kỳ hạn 4 năm.
Đây là loại trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với lãi suất cố định 8%/năm. Theo MRB, mục đích phát hành nhằm mở mới các cửa hàng và bổ sung nguồn vốn lưu động cho các nhà thuốc mới này.
Số trái phiếu mà MRB phát hành có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu với giá chuyển đổi dự kiến là 80.133 đồng/cp.
Kết quả công bố cho thấy một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mua trọn số trái phiếu nói trên dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI). SSI cũng là bên đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.
Theo tìm hiểu, MRB có mối liên hệ mật thiết với CTCP Dược phẩm Pharmacity - chuỗi bán lẻ dược phẩm nắm phần lớn thị phần trong nước.
Cả hai công ty này đều có cùng trụ sở trên đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM. Người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tại MRB là ông Christopher Randy Stroud (sinh năm 1984, quốc tịch Mỹ). Nhân vật này cũng đang là Tổng Giám đốc tại Pharmacity.
Được thành lập vào tháng 9/2015, MRB chuyên về nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận với quy mô vốn ban đầu là 1,6 tỷ đồng do 7 cá nhân góp vốn thành lập. Trong đó, bà Phạm Thị Thanh Hoài là cổ đông lớn sở hữu 86,89% vốn. Bà Hoài cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Pharmacity.
Tháng 5 mới đây, MRB đã thực hiện tăng vốn lên hơn 517 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ 49,85%.
Đợt trái phiếu cả nghìn tỷ đồng nói trên là lần đầu tiên phát hành dưới tên MRB. Trước đó, năm 2019, chuỗi Pharmacity đã huy động tổng cộng 150 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu với kỳ hạn hai năm.
Dẫu tham vọng huy động hơn 1.000 tỷ đồng cùng với việc mở được 5.000 cửa hàng từ nay đến năm 2025, Pharmacity lại đứng trước thách thức lớn khi trải qua nhiều năm thua lỗ. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, công ty cho biết đã lỗ tiếp 194 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 0,3 lần, tương đương với tổng nợ phải trả là 122 tỷ đồng.
Kế hoạch 5 năm của Pharmacity công bố kỳ vọng đạt doanh thu 1,5 tỷ USD tới năm 2025 và tạo ra lực lượng lao động hơn 20.000 nhân viên.
Kế hoạch của đơn vị này còn tiết lộ sẽ giới thiệu các dịch vụ y tế cơ bản và các chương trình chăm sóc sức khoẻ, bao gồm các dịch vụ tư vấn y tế, tiêm chủng, xét nghiệm và chẩn đoán cũng như các chương trình tư vấn dinh dưỡng.
Tính đến cuối tháng 5/2021, Pharmacity có gần 600 nhà thuốc tại các tỉnh thành với 4.000 nhân viên, là đơn vị dược phẩm sở hữu số lượng cửa hàng nhiều nhất cả nước. Xếp theo sau là chuỗi Long Châu với 300 nhà thuốc tính tới đầu tháng 7.