Bốn đối tượng miễn trừ dán nhãn năng lượng
|
Theo đó, có 4 nhóm đối tượng nằm trong diện được miễn trừ dán nhãn năng lượng như sau:
Thứ nhất, nhóm hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất, Hàng hóa quá cảnh hay hàng hóa chuyển khẩu.
Thứ hai, hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu (không tiêu thụ trong nước).
Thứ ba, hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân
Thứ tư, hàng hóa nhập khẩu phi thương mại: Hành lý cá nhân, hàng hóa ngoại giao, hàng hóa tham gia triển lãm, hội chợ; Quà biếu, tặng; Hàng hóa vật tư, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu đơn chiếc phục vụ mục đích sử dụng thay thế trong các công trình, dự án đầu tư phục vụ công việc như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, thi đấu thế thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, các nội dung của Thông tư 36 đã đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 19. Thông tư thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bãi bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo ông Vũ, Thông tư khi được ban hành sẽ tạo cơ chế thông thoáng, đơn giản và tiết kiệm cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đăng ký và công bố dán nhãn năng lượng cho phương tiện, và thiết bị sử dụng năng lượng.
Thông tư 36/2016/TT-BCT được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành ngày 28/12/2016, thay thế Thông tư 07/2012 về Quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, theo hướng bãi bỏ các quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp.
Cùng với kế hoạch đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính hồi đầu tháng 12, bãi bỏ Thông tư 37 đối với lĩnh vực dệt may, ra mắt Cổng dịch vụ công trực tuyến… việc sửa đổi Thông tư 07 một lần nữa thể hiện quyết tâm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với cam kết “ngành Công Thương sẽ đi đầu trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính”.
Chương trình Dán nhãn năng lượng dưới hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011. Do là tự nguyện nên giai đoạn này có chưa đầy 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Từ đầu năm 2012, chương trình áp dụng chế độ bắt buộc, số lượng doanh nghiệp đăng ký đã tăng lên nhanh chóng. Trong đó, năm 2012, có 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn; năm 2013 con số này tăng lên 1.532 sản phẩm. Năm 2014 số lượng mã sản phẩm tăng lên 2.655. Trong đó, 7 mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, chương trình dán nhãn năng lượng được cho là gây khó khăn cho các doanh nghiệp. |