|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ Xây dựng: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ di dời công sở, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô trước 2030

11:37 | 19/06/2018
Chia sẻ
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời hàng loạt kiến nghị của cử tri từ kỳ họp Quốc hội lần 4, khóa XIV. Trong đó, cử tri Hà Nội kiến nghị về vấn đề vi phạm quy hoạch và ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại thủ đô...
bo xay dung do an quy hoach tru so bo nganh den 2030 co ban hoan thanh 'Nhóm lợi ích' làm méo mó quy hoạch
bo xay dung do an quy hoach tru so bo nganh den 2030 co ban hoan thanh 'Bộ trưởng nói nước đôi, tôi rất lo'

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời hàng loạt kiến nghị của cử tri từ kỳ họp Quốc hội lần 4, khóa XIV. Trong đó, cử tri Hà Nội kiến nghị về việc các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ quan đơn vị… ở nội thành Hà Nội vẫn hoạt động gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...; đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô trước năm 2020, bàn giao lại trụ sở cũ để thành phố xây dựng các công trình công cộng.

bo xay dung do an quy hoach tru so bo nganh den 2030 co ban hoan thanh
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời loạt kiến nghị của cử tri Hà Nội về vấn đề vi phạm quy hoạch và ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại thủ đô... (Ảnh minh họa)

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội trong khu vực trung tâm thành phố nhằm giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông nội thành.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã chủ trì việc triển khai điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đã rà soát, xây dựng phương án cụ thể để sắp xếp và di dời các cơ sở đào tạo đại học, cơ sở công nghiệp... ra khỏi khu vực nội đô thành phố Hà Nội và định hướng quy hoạch trên địa bàn 10 tỉnh vùng Thủ đô trong giai đoạn 2016 – 2030.

Thành phố Hà Nội cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình tổ chức lập, thẩm định và trình duyệt các đồ án quy hoạch chuyên ngành (như quy hoạch hệ thống giao thông vận tải...), quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn làm cơ sở để triển khai đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị để di dời các bệnh viện, trường đại học, nhà máy xí nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm.

Ngoài ra, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức lập “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030”. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát thực trạng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành trung ương và nghiên cứu hoàn chỉnh các phương án quy hoạch bố trí khu trụ sở Bộ, ngành tập trung tại Khu trung tâm Tây Hồ Tây và Khu vực Mễ Trì.

Đến nay, đồ án “Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan trung ương các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030” đã cơ bản hoàn thành theo Nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai việc di dời hệ thống công sở, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, các bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô trước năm 2030, sớm bàn giao lại trụ sở cũ để thành phố triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật...

Một cử tri khác của Hà Nội cho rằng, hiện nay việc quản lý, điều chỉnh quy hoạch ở thủ đô và một số thành phố lớn chưa hợp lý dẫn đến quá tải về mật độ dân cư đô thị. Cử tri đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch để giảm tải mật độ dân cư cho các thành phố lớn.

Bộ Xây dựng thông tin, các đô thị trong đó có những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM... đã triển khai lập Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết nhằm đảm bảo việc quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, UBND thành phố Hà Nội đã và đang triển khai lập, thẩm định các đồ án quy hoạch chung huyện, thị xã và quy hoạch phân khu đô thị khu vực trung tâm (đến tháng 12/2017 đã phê duyệt cơ bản đạt 85%).

Thành phố còn ban hành các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc gồm: Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội, Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố Cổ, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết, triển khai dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.

Như vậy, quy định pháp luật về công tác quy hoạch khá đầy đủ; tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch lại xảy ra hiện tượng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, nhiều công trình cao tầng khi triển khai xây dựng không thực hiện đúng với giấy phép xây dựng về chiều cao công trình, mật độ xây dựng, quy mô dân số... gây quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, ảnh hưởng tới không gian kiến trúc, cảnh quan và môi trường đô thị.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh và thành phố Hà Nội đẩy nhanh xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc; nghiên cứu, lập Đề án đổi mới lý luận, phương pháp luận về quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu của tiến trình đô thị hoá, gắn kết với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...

Bộ đề nghị UBND thành phố Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng; tổ chức thực hiện các Quy hoạch phân khu đô thị, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ; Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử...

Đồng thời, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng quy định pháp luật trong điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, xây dựng phát triển các đô thị vệ tinh để kéo dãn, thu hút dân cư từ khu vực trung tâm để từng bước giảm mật độ dân cư, giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành; xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc của 4 quận nội thành cũ...

Xem thêm

N. Lê