|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Nhóm lợi ích' làm méo mó quy hoạch

10:43 | 02/06/2018
Chia sẻ
“Nhiều khi quy hoạch đúng nhưng sau đó bị phá hỏng, làm méo mó đi, bị điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích nhất thời, hoặc theo những tác động nhất định của nhóm lợi ích”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) bày tỏ.

Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến quy hoạch. Nhận thấy còn nhiều nội dung chồng chéo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong dự thảo luật sửa đổi. Đồng thời bổ sung vào Luật Xây dựng để tránh trùng lặp quy hoạch, chồng lấn quy hoạch, gây lãng phí về nguồn lực.

nhom loi ich lam meo mo quy hoach
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Như Ý.

Không để tùy tiện điều chỉnh quy hoạch

Đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng, điều 37 Luật Xây dựng và điều 49 Luật Quy hoạch đô thị quy định hai loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, nhưng phạm vi, mức độ điều chỉnh lại không được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức điều chỉnh cục bộ để điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, thiếu tính ổn định, như tình trạng tăng mật độ xây dựng, biến khu sản xuất thương mại thành nhà ở cao tầng đông đúc, gây quá tải đến hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.

“Để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, tôi đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, để đảm bảo đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở, chính sách tạo lợi ích nhóm”, đại biểu Đồng nêu.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng, một số nội dung trong dự thảo sửa đổi quy hoạch xây dựng có một số điểm chưa rõ. Ông đề nghị trình tự lập quy hoạch cần thống nhất và cụ thể hóa trong luật hoặc các văn bản hướng dẫn để đồng bộ hơn trong việc lập quy hoạch, xây dựng và điều chỉnh quy hoạch sau này.

Liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) đề nghị, nếu cung cấp thông tin chậm và không chính xác cho tổ chức, cá nhân thì phải coi là đã vi phạm pháp luật, chứ không thể nói chịu trách nhiệm chung chung. “Chịu trách nhiệm trước pháp luật là chịu trách nhiệm cái gì? Phải mạch lạc, rõ ràng điều này và phải có chế tài xử phạt cụ thể, như hạ bậc lương, cách chức hay buộc thôi việc gì đó, chứ không thể nói chịu trách nhiệm trước pháp luật và để đấy được”, ông Dũng nêu quan điểm.

Quy hoạch là “nguồn cơn tiêu cực”?

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, trong mấy chục năm qua, rất nhiều thành công của chúng ta có được nhờ quy hoạch đúng. Tuy nhiên quy hoạch cũng là nguồn cơn của rất nhiều điều tiêu cực và gây ra những thiệt hại đáng kể. “Một trong những đặc điểm của nó là nhiều khi quy hoạch đúng nhưng sau đó bị phá hỏng, làm cho méo mó đi, bị điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích nhất thời, hoặc theo những tác động nhất định của nhóm lợi ích”, luật sư Nghĩa nói.

Cũng theo đại biểu đoàn TPHCM, quy hoạch đúng là một việc, quy hoạch hợp lý là một việc. Tuy nhiên, điều chỉnh để hợp lý hơn, để tối ưu hóa lợi ích chứ không phải điều chỉnh theo những giải pháp tình thế, hoặc những áp lực nhất định.

Tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các cơ chế chính sách không còn phù hợp, không đồng bộ với Luật Quy hoạch đã được ban hành. Đồng thời nhanh chóng đưa Luật Quy hoạch vào thực thi trong cuộc sống, để thể chế và chính sách không gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến Luật Xây dựng, ông Dũng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục rà soát theo tinh thần, những gì trùng lặp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác thì loại bỏ. Luật Xây dựng phải làm rõ được các loại quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch. Riêng giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, ông Dũng khẳng định sẽ bỏ ngay chứ không phải chờ sửa các luật khác liên quan.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch, thừa nhận đúng như các đại biểu nêu, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần rà soát. “Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và có các quy định chặt chẽ, để đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch không tùy tiện trong quá trình thực hiện”, ông Dũng.

“Để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, tôi đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, để đảm bảo đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở, chính sách tạo lợi ích nhóm”.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Quy định việc đối xử nhân đạo với vật nuôi

Dự thảo Luật Chăn nuôi trình Quốc hội chiều 1/6 đề xuất hàng loạt các quy định về quyền vật nuôi. Theo đó, vật nuôi được đảm bảo điều kiện để sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh; được đối xử nhân đạo trong quá trình chăn nuôi, khai thác, hoạt động giải trí, giết mổ, nghiên cứu khoa học. Người chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo quyền vật nuôi trong mọi hoạt động liên quan đến vật nuôi như thiết kế chuồng nuôi; xác định mật độ chăn nuôi; điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển, khai thác; kỹ thuật giết mổ, biện pháp tiêu hủy, thí nghiệm khoa học.

Dự thảo luật cũng quy định động vật cảnh được nuôi phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được tiêm phòng đầy đủ theo quy định về thú y. Cơ sở nuôi động vật cảnh có khả năng tấn công con người phải có chuồng, lồng chắc chắn và các biện pháp khác để ngăn ngừa ảnh hưởng tới con người và các vật nuôi khác; phải kê khai với ủy ban nhân dân cấp xã. Đặt biệt, dự thảo luật quy định, không thả rông chó; phải đeo rọ mõm và phải có người dắt chó khi cho chó đi ra ngoài. Cơ sở chăn nuôi chó, mèo phải giữ gìn vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Văn Kiên

Xem thêm

Luân Dũng