Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không nên vội tái đàn vì rủi ro lây nhiễm dịch tả heo châu Phi cao
Tiêu hủy hơn 1,7 triệu con heo trong chưa đầy 4 tháng
Ngày 25/5, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tính đến hết ngày 24/5 tổng số heo bị nhiễm dịch của cả nước là hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn buộc phải tiêu hủy.
Kể từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 1/2, đến nay bệnh đã xuất hiện tại 42 tỉnh thành, 265 huyện, 2.904 xã.
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi các tỉnh phía Nam sáng ngày 25/5 tại TP HCM. Ảnh: D. Huỳnh
Tại khu vực phía Nam, Đồng Nai là địa phương "nổ" dịch tả heo châu Phi (ASF) đầu tiên từ ngày 17/4, đến nay dịch đã xuất hiện tại 20 hộ thuộc 9 xã, 4 huyện gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, và Long Thành với tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy là 2.181 con.
Tuy nhiên, thông tin từ ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết đến thời điểm này, các ổ dịch trên địa bàn đã được khống chế và không phát hiện thêm ổ mới. Trong đó, Công an đã khởi tố vụ giết mổ heo chết nhiễm dịch ASF và sẽ vào cuộc xử lí các điểm giết mổ lậu trên địa bàn.
Trước đó, Đồng Nai cho biết một trong những ổ bệnh đầu tiên phát hiện cũng do giết mổ lậu.
Ngoài ra, thống kê của Bộ NN&PTNT tại hội nghị còn cho biết tính riêng khu vực Đông và Tây Nam Bộ, kể từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 11/4, đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Tổng số heo mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn heo trong khu vực.
Khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, qui mô và số lượng lớn
Trước tình hình dịch ASF "báo động" hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch ASF tiếp tục phát sinh và lây lan tại địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ là rất cao.
"Hiện nay, miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, rất thuận lợi cho bệnh ASF phát triển. Các địa phương ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát.
Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang các địa phương chưa có dịch trong khu vực, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, qui mô và số lượng heo lớn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: D. Huỳnh.
Thông tin về những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh, ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết các hộ chăn nuôi mắc dịch ASF vẫn chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp về an toàn sinh học để phòng chống bệnh.
Đặc biệt, công tác kiểm soát giết mổ vẫn chưa làm tốt, vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên. "Có những cơ sở giết mổ lậu chuyên gom heo bệnh chết với giá rẻ, chỉ 10.000 – 12.000 đồng/kg để giết mổ đưa vào các quán ăn tiêu thụ, làm lây lan dịch bệnh", ông Lữu cho hay.
Trong khi đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi heo xen lẫn trong khu dân cư vẫn phổ biến, mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh như tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai,...
Đáng quan ngại, một số hộ chăn nuôi heo vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lí nhiệt đặc biệt là sử dụng trong chăn nuôi lợn rừng.
Ngoài ra, công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan, khó kiểm soát, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết.
Chưa có thuốc trị, thuốc phòng, Bộ NN&PTNT khuyến nghị không tái đàn
"Thực tế, hiện nay dù dịch bệnh này chưa có thuốc trị và thuốc đề phòng nhưng các cơ sở áp dụng triệt để an toàn sinh học vẫn trụ được, không bị nhiễm", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Theo đó, chỉ đạo về các giải pháp phòng, chống dịch ASF trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh.
"Không chỉ các tỉnh đã bị dịch mà tất cả các tỉnh đều phải coi nhiệm vụ phòng chống là trọng yếu. Những nhóm tỉnh đã xảy ra dịch bệnh, phải tập trung xử lí, khoanh vùng triệt để bên cạnh đó là giải pháp ngăn ngừa trong công tác vận chuyển, giám sát tiêu thụ đều phải chặt chẽ", Bộ trưởng chỉ đạo.
Ngoài ra, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng VI, VII và Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam Bộ phối hợp và trực tiếp triển khai heo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh.
Đồng thời, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn cấp xã hàng ngày, tuyên truyền các hộ chăn nuôi tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng, làm sạch môi trường hạn chế lây lan mầm bệnh.
Đặc biệt, về việc tái đàn trong lúc này, Bộ NN&PTNT cho rằng tàn dư virus của dịch ASF tồn tại trong môi trường rất lâu dài, nếu vội tái đàn sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chính hộ gia đình và toàn xã hội.
Do đo, "kể cả hộ nhỏ lẫn hộ lớn, Bộ đều khuyến nghị bà con không tái đàn lúc này, để đến khi nào dịch ổn định, đủ điều kiện, cơ quan quản lí chuyên ngành thông báo tăng đàn trở lại.
Trước mắt chúng tôi đang bàn với các địa phương tạo sinh kế khác cho bà con, có thể là chuyển sang đối tượng chăn nuôi khác", Bộ trưởng bày tỏ mong muốn người chăn nuôi ủng hộ.