|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Dự báo thị trường bất động sản sẽ phát triển trở lại trong năm 2024

15:13 | 13/09/2023
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản dự báo sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.

(Ảnh minh họa).

Chia sẻ tại một sự kiện mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong nước vừa trải quãng thời gian đặc biệt khó khăn trong những tháng đầu năm 2023. Riêng ngành Xây dựng đã phải đối mặt với sự sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường xây dựng trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, thị trường bất động sản đình đốn do nguồn cung hết sức hạn chế ở hầu hết các loại hình bất động sản. Số lượng các dự án mở bán rất ít, trong đó số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong 6 tháng đầu năm chỉ có 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ, chỉ bằng khoảng 37,5% so với 6 tháng cuối năm 2022,...

"Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cả nước và ngành xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Các dự án bất động sản đã và đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động", Bộ trưởng Xây dựng nói.

Trong báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2023 trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại.

Thị trường vẫn đang đối diện tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Bên cạnh đó, giao dịch trên thị trường vẫn trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động,… 

Thực tế, bước sang năm 2023, vốn tín dụng chảy vào bất động sản có xu hướng tăng chậm lại. Số liệu mới đây của NHNN cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 4,6% so với cuối năm 2022 (tức có thêm khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng quy mô tín dụng tăng thêm của toàn nền kinh tế), tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Ngược lại, tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây.

Đối với kênh trái phiếu, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 132.358 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản huy động được 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%) tổng giá trị phát hành, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tổng hợp của Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 24/8 có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành (TCPH) này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Công Tâm

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.