Bộ Thương mại Mỹ nhận đơn yêu cầu điều tra sản phẩm thép mạ nhập từ Việt Nam
Cụ thể, các nguyên đơn cho biết, sau khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế, lượng xuất khẩu sản phẩm này của Trung Quốc sang Mỹ giảm rõ rệt, nhưng xuất khẩu sản phẩm này từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng đột biến.
Theo quy định của Mỹ, để bổ sung sản phẩm của nước thứ 3 vào lệnh áp thuế hiện hành (điều tra lẩn tránh thuế AD/CVD), DOC cần phải xem xét các yếu tố sau:
(i) Sản phẩm nhập khẩu từ nước thứ 3 thuộc cùng loại (class/kind) với sản phẩm bị áp thuế; (ii) Trước khi nhập khẩu vào Mỹ, sản phẩm này đã được hoàn thiện hoặc gia công từ sản phẩm sản xuất ở nước đang bị áp thuế; (iii) Quá trình gia công hoặc hoàn thiện ở nước thứ 3 là “nhỏ hoặc không đáng kể”; (iv) Trị giá của hàng sản xuất ở nước bị áp thuế “chiếm phần lớn tổng trị giá của sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ”; và (v) DOC quyết định rằng việc điều tra là cần thiết để tránh việc lẩn tránh.
Ngoài ra, DOC cũng phải xem xét các yếu tố như xu hướng thương mại (pattern of trade); liệu nhà sản xuất/xuất khẩu nguyên liệu đầu vào có liên kết với bên ở nước thứ 3 - bên sử dụng các nguyên liệu này để gia công/hoàn thiện sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ hay không và liệu nước bị áp thuế có tăng xuất khẩu nguyên liệu đầu vào sang nước thứ 3 sau khi DOC khởi xướng điều tra và áp thuế hay không.
Bên cạnh đó, để quyết định liệu quá trình gia công hoặc hoàn thiện có phải là “nhỏ hoặc không đáng kể” hay không, DOC phải xem xét mức độ đầu tư, nghiên cứu và phát triển, bản chất của quy trình sản xuất, mức độ cơ sở sản xuất ở nước thứ 3 và “liệu giá trị gia công ở nước thứ 3 có chiếm một tỷ trọng nhỏ trong trị giá của sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ” hay không. Nếu những linh kiện được bổ sung hoặc quá trình gia công ở nước thứ 3 được thực hiện bởi người/doanh nghiệp có liên kết với bên (party) ở nước bị áp thuế thì DOC sẽ sử dụng chi phí sản xuất để tính trị giá.
Các nguyên đơn cho rằng mọi yếu tố đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định nêu trên. Do vậy, họ yêu cầu DOC khởi xướng điều tra và hoãn việc thanh khoản các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép mạ từ Việt Nam và yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế AD và CVD đối với sản phẩm từ Trung Quốc.
Căn cứ theo quy định của Mỹ, DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 22/10/2016) và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày.
Trước đó, ngày 23/6/2015, Mỹ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cùng chủng loại sản phẩm (class/kind) có xuất xứ từ Trung Quốc và một số nước/vùng lãnh thổ khác với các mã: HS: 7210.30.0030/.0060, 7210.41.0000, 7210.49.0030/.0091/.0095, 7210.61.0000, 7210.69.0000, 7210.70.6030/.6060/.6090, 7210.90.6000/.9000, 7212.20.0000, 7212.30.1030/.1090/.3000/.5000, 7212.40.1000/.5000, 7212.50.0000, và 7212.60.0000.
Theo đó Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 199,43% và mức thuế chống trợ cấp là 241,43%.
Theo nguồn tin từ Hiệp hội thép (VSA), năm 2011, Mỹ từng tiến hành đồng thời điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép cuộn carbon từ Việt Nam và một số nước khác. Tuy nhiên, vụ điều tra đã được chấm dứt do DOC đã xác định biên độ trợ cấp của các doanh nghiệp Việt Nam là 0%.
VSA nhận định, trong năm nay, thép Việt sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Campuchia, Lào… khi sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc đang dồn vào đây. Còn tại các thị trường Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, thép Việt tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, nên xuất khẩu sẽ khó khăn hơn.