|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Công khai người bỏ cọc đấu giá để tránh trục lợi

06:55 | 09/10/2024
Chia sẻ
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc để tránh thổi giá, trục lợi qua đấu giá đất.

Tại hội nghị trực tuyến với 63 địa phương về triển khai Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản chiều 8/10, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết việc đấu giá quyền sử dụng đất, lập và công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa bài bản, minh bạch. Việc này tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai.

Ông cũng chỉ ra hiện tượng một số người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu thực và đẩy, thổi giá cao rồi bán lại ngay, để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với các khu vực xung quanh. Thậm chí, sau khi đấu giá, họ không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt.

Cùng với đó, ông Ngân cho rằng các địa phương thiếu chủ động tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài. "Những vấn đề nổi lên trong thời gian qua xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở một số địa phương", ông nói thêm.

Từ đó, Bộ này đề xuất giải pháp công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế việc đấu giá để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại hội nghị, ngày 8/10. (Ảnh: VGP).

Thực tế, hơn một tháng qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra.

Tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng một m2 - gấp 18 lần mức khởi điểm.

Trong báo cáo gửi Chính phủ cuối tháng 9, Bộ Xây dựng nhận xét hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường.

Việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Điều này ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho rằng có trường hợp sử dụng bảng giá đất chưa kịp thời điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng thực tế. Điều này dẫn đến giá trúng và khởi điểm chênh lệch lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia để kiếm lời.

Theo Luật Đất đai 2024, bảng giá đất được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Song, trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất để cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Ông Ngân nói đây là quy định chuyển tiếp, giúp các địa phương có lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024. Việc này cũng tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hưởng người dân.

Tuy nhiên, nếu địa phương không xem xét thận trọng, đánh giá tác động đầy đủ sẽ xảy ra trường hợp bảng giá điều chỉnh chênh rất lớn so với hiện hành.

Bởi, số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai tăng cao so với khi áp dụng bảng giá cũ. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các địa phương chuẩn bị tốt nguồn lực, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu để xây dựng bảng giá đất, áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Cũng tại hội nghị, nhiều địa phương thừa nhận chậm ban hành các văn bản hướng dẫn 3 luật liên quan bất động sản.

Các Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8, tức sớm 5 tháng so với kế hoạch ban đầu. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025. Việc này để các quy định sớm đi vào cuộc sống, giúp gỡ nhiều vướng mắc trên thị trường bất động sản hiện nay.

Tuy vậy, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, mới có Hải Dương ban hành đủ văn bản hướng dẫn 3 luật liên quan bất động sản. Các địa phương còn lại chủ yếu mới có văn bản liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất.

13 địa phương chưa có văn bản nào, gồm Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.

Lãnh đạo nhiều địa phương nhận trách nhiệm về chậm có văn bản hướng dẫn các luật này. Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhận khuyết điểm khi tỉnh không đảm bảo tiến độ.

Về Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, An Giang mới hoàn thành 3 trong số 15 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành. Tỉnh cũng mới hoàn thành hơn một nửa văn bản hướng dẫn Luật Đất đai.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các lãnh đạo tỉnh, thành nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tiến độ thực hiện. Các địa phương phải chỉ rõ những bất cập, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt phải ra kết quả cụ thể".

"Địa phương có thể xem xét hình thức rút gọn với những văn bản kế thừa chính sách cũ. Còn văn bản phức tạp phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục", Phó thủ tướng lưu ý.

Phương Dung