|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways muốn tăng vốn từ 700 lên 8.300 tỉ đồng, cần được Thủ tướng phê duyệt

06:15 | 29/07/2019
Chia sẻ
Bộ GTVT yêu cầu Bamboo Airways phải xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là đội ngũ phi công, nhân viên kĩ thuật, bảo dưỡng tàu bay) phù hợp với qui mô tăng trưởng tàu bay đến năm 2023.

Yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải

Theo tin từ Báo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định về việc góp ý hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - do Tập đoàn FLC sở hữu 100%) tại Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Về trình tự thủ tục, Bộ GTVT cho biết theo hồ sơ, Bamboo Airways đề nghị được điều chỉnh qui mô Dự án đầu tư giai đoạn 2019-2023 là trên 30 tàu bay và nâng tổng mức đầu tư dự án từ 700 lên 8.300 tỉ đồng.

Số vốn dự kiến 8.300 tỉ đồng này của Bamboo Airways còn lớn hơn vốn điều lệ của công ty mẹ là Tập đoàn FLC hiện tại (7.010 tỉ đồng).

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được thành lập ngày 31/5/2017, với vốn điều lệ đăng kí 700 tỉ đồng do Tập đoàn FLC sở hữu 100%.

Ngày 9/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 836/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt. Theo quyết định này, Qui mô Dự án đến năm 2023 là 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737. Tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu.

Tiến độ thực hiện đầu tư từ năm 2019 đến 2023. Địa điểm thực hiện Dự án là Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thời gian hoạt động Dự án là 50 năm..

Hiện nay, Bamboo Airways đang muốn thay đổi qui mô dự án, cụ thể là mở rộng đội tàu bay từ 10 lên 30 chiếc và tăng vốn đầu tư từ 700 lên 8.300 tỉ đồng.

Việc điều chỉnh qui mô dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Bamboo Airways hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh qui mô dự án theo đúng qui định pháp luật và phù hợp với Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018.

Theo Bộ GTVT, thực tiễn kinh doanh vận chuyển hàng không cho thấy, hãng hàng không muốn khai thác ổn định, có hiệu quả thì qui mô đội tàu bay tối thiểu từ 25-30 tàu bay.

"Việc Công ty Tre Việt mở rộng qui mô khai thác để phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho người dân có thêm lựa chọn sử dụng dịch vụ vận tải hàng không cần được khuyến khích và ủng hộ. Do vậy, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương cho Công ty Tre Việt tăng số lượng tàu bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc đến năm 2023", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT đề nghị tỉnh Bình Định phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát thông tin, số liệu liên quan đến nguồn vốn đầu tư tại hồ sơ dự án, đảm bảo tuân thủ đúng qui định pháp luật.

bamboo flc

Trụ sở Bamboo Airways đặt trên phố Cầu Giấy. Ảnh: Y Vân.

Đối với Bamboo Airways, Bộ GTVT có 5 yêu cầu lớn bao gồm:

Thứ nhất, yêu cầu Bamboo Airways xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu bay đảm bảo phù hợp Quyết định số 236/QĐ-TTg

Thứ hai, yêu cầu Bamboo Airways tuân thủ các khuyến cáo và hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) trong quá trình triển khai dự án, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Thứ ba, Bamboo Airways phải thuyết minh làm rõ việc duy trì mức vốn tối thiểu khi xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu bay để đảm bảo điều kiện kinh doanh và điều kiện về vốn tối thiểu theo qui định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP qui định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Thứ tư, hãng phải xây dựng kế hoạch phát triển và đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay) phù hợp với qui mô tăng trưởng tàu bay đến năm 2023 để phát triển ổn định, bền vững và phù hợp với năng lực quản trị, khai thác an toàn tàu bay của hãng, năng lực phục vụ của cơ sở hạ tầng hàng không, năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không.

"Không để xảy ra tình trạng tranh giành phi công thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng chung đến sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam", văn bản nêu rõ.

Cuối cùng, Bộ GTVT yêu cầu Bamboo Airways ưu tiên cho việc phát triển thị trường vận tải hàng không tại các cảng hàng không, sân bay còn dư công suất khai thác (sân bay địa phương) nhằm phát triển du lịch địa phương, tập trung khai thác vào khung giờ bay thấp điểm để giảm tình trạng quá tải tại các cảng hàng không, sân bay.

Bamboo FLC

Ảnh minh họa: Bamboo Airways.

Câu trả lời của Bamboo Airways cho bài toán nhân lực

Liên quan đến đội ngũ phi công, tháng 4 và tháng 5 vừa qua, giữa Bamboo Airways và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã xảy ra tranh cãi gay gắt.

Vietnam Airlines thì gửi văn bản đến Bộ Giao thông vận tải cáo buộc Bamboo Airways có hành vi giành giật phi công, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của mình.

Vietnam Airlines cho biết có đội bay của hãng bị "kéo" mất 30% nhân sự, gây thiệt hại ước tính 1.400 tỉ đồng mỗi năm. Hãng hàng không quốc gia còn đề nghị Bộ GTVT dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với máy bay Boeing 787 của Bamboo Airways.

Hãng hàng không của Tập đoàn FLC lập tức phản bác, cho rằng cáo buộc của Vietnam Airlines là hoàn toàn bịa đặt và rằng mình tuyển dụng công khai đúng qui định, theo cơ chế thị trường.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong dài hạn, Bamboo Airways và công ty mẹ là Tập đoàn FLC có kế hoạch xây dựng mới nhiều cơ sở đào tạo. 

Cụ thể chiều 28/7, Bamboo Airways đã tổ chức lễ khởi công Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, Quy Nhơn, Bình Định.

Bamboo khởi công

Lễ khởi công viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways chiều 28/7. Ảnh: Bamboo Airways.

Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có qui mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển. 

Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung vào các nghiệp vụ chuyên ngành như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Kĩ thuật, Khai thác Mặt đất, Điều hành Khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…

Theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, viện đào tạo tại Bình Định là cơ sở qui mô lớn đầu tiên trong chuỗi các cơ sở đào tạo của Bamboo Airways, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở các cơ sở khác tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.

Tại Quảng Ninh, Tập đoàn FLC dự kiến xây dựng Trường Đại học FLC. Trường có kế hoạch hoạt động theo mô hình đại học tư thục không lợi nhuận, với ba chuyên ngành chính là công nghệ cao, du lịch, hàng không. 

Khuôn viên trường có diện tích dự kiến khoảng 55 ha nằm trên địa bàn hai phường Hà Lầm và Hà Trung (TP Hạ Long); tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, dự tính khởi công trong năm 2019.

Trường Đại học FLC dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với qui mô ban đầu 600 sinh viên, tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.

Ngoài ra, Bamboo Airways và Tập đoàn FLC còn đang đề xuất thành phố Cần Thơ giao 40 ha đất để triển khai Dự án Khu sản xuất hàng hóa và dịch vụ logistic hàng không; Trung tâm thương mại, dịch vụ hàng không và Học viện hàng không tại quận Bình Thủy.

Y Vân

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.