|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ GTVT: Không chuyển đầu tư công, cao tốc Bắc - Nam nguy cơ 2022 mới khởi công

04:35 | 16/05/2020
Chia sẻ
Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án, phá thế bế tắc huy động vốn tín dụng hiện nay.
Bộ GTVT: Không chuyển đầu tư công, cao tốc Bắc - Nam nguy cơ 2022 mới khởi công - Ảnh 1.

Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam tại kỳ họp sắp tới. Ảnh: Mai Hà

Theo thông tin Bộ GTVT phát đi chiều nay, 15.5, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành tờ trình Quốc hội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có việc chuyển đổi 8 dự án đầu tư PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.

Tính tới thời điểm này, thiết kế kỹ thuật, dự toán đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam đã đạt trên 70% công việc. Nếu các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công thì đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020.

“Tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, với những khó khăn về khả năng huy động vốn tín dụng cũng như việc lựa chọn nhà đầu tư, thì sẽ không bảo đảm được tiến độ theo yêu cầu.

Trường hợp thuận lợi thì đến giữa năm 2021 mới có thể huy động được tín dụng và bắt đầu triển khai thi công, sẽ không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Trên thực tế, bế tắc trong huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại đang là rào cản lớn nhất với tiến độ thực hiện cao tốc Bắc - Nam.

Trường hợp xấu nhất khi lựa chọn được nhà đầu tư, nhưng không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải chấm dứt hợp đồng và thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển đổi hình thức đầu tư, có thể đến năm 2022 mới bắt đầu triển khai thi công.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ bảo đảm sự chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện…

Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỉ đồng (trong đó bao gồm 55.000 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020), giảm khoảng 19.223 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Số vốn còn lại 44.493 tỉ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí.

Trước đó, tại cuộc họp mở rộng để thẩm tra nội dung trên của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 14.5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng nhà nước Việt Nam), cho rằng việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Hùng, dư nợ tín dụng của các dự án BOT giao thông hiện nay khoảng 102.000 tỉ đồng. Trong đó, 59/116 dự án có doanh thu không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đủ trả nợ ngân hàng.

Nghiêm trọng hơn, 43/116 BOT giao thông hiện nay đang phải cơ cấu chuyển đổi nợ với tổng số tiền khoảng 66.474 tỉ đồng, gồm: 10 dự án khả năng chuyển ngay sang nợ xấu với số tiền 14.618 tỉ đồng và 33 dự án có nguy cơ chuyển sang nợ xấu với số tiền trên 51.000 tỉ đồng.

Đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, ông Hùng cho biết, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, dù có năng lực về thi công nhưng năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chủ đầu tư chủ yếu là những nhà thầu thì rất khó thuyết phục ngân hàng cho vay số tiền lên đến 5.000 - 10.000 tỉ đồng đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Mai Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.