Bộ Giao thông đề xuất giao ACV chủ trì đầu tư Nhà ga T3: Lo ngại tăng độc quyền hạ tầng hàng không
Trên thực tế, Bộ GTVT cũng có những lý do riêng đề đưa ra đề xuất trên. Hai lý do đưa ra trong đề xuất giao ACV đầu tư vào Nhà ga T3 - một trong những công trình có khả năng sinh lời cao nhất trong lĩnh vực hạ tầng hàng không hiện nay là để đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình vào năm 2022 và ACV đủ năng lực tài chính đảm nhận công việc này.
.
Cần phải nói thêm rằng, Nhà ga T3 chỉ là một trong số 41 dự án hạ tầng có tổng vốn 71.687 tỷ đồng mà ACV đặt tham vọng đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2025.
ACV ước tính, với dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2018 - 2025 (75.939 tỷ đồng) và lượng tiền mặt hiện có (16.842 tỷ đồng), sau khi đầu tư toàn bộ dự án nói trên, đơn vị này vẫn còn dư 36.042 tỷ đồng để dành đầu tư cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trên thực tế, rất khó để xác thực dòng tiền và khả năng cân đối nguồn cho tham vọng “một mình, một ngựa” đầu tư toàn bộ các cảng hàng không lớn, nhỏ của ACV khi bản kế hoạch này có nhiều yếu tố đầu vào mang tính giả định, cơ sở pháp lý rất mong manh. Ngay cả khi ACV có đủ năng lực thực sự, thì nếu tiếp tục mặc nhiên giao đơn vị này đầu tư các dự án hạ tầng hàng không như trường hợp của Nhà ga T3 Nội Bài, thì sẽ đồng nghĩa với việc thu hẹp cửa chen chân vào thị trường kinh doanh hạ tầng hàng không của các nhà đầu tư tư nhân khác.
ACV hiện cũng không còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để được mặc nhiên giao thực hiện các dự án hạ tầng hàng không. Theo Luật Đầu tư 2014, Nghị định số 63/2018/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức PPP, các công trình nhà ga hàng không cần phải triển khai theo hình thức PPP, trong đó cần xây dựng đề xuất đầu tư có tính khả thi để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu công khai, rộng rãi. Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Nhà ga T3 chắc chắn sẽ giúp tiết kiệm chi phí xây dựng và tạo sự cạnh tranh, minh bạch, đồng thời giúp giảm bớt vị thế độc quyền của ACV tại Sân bay Tân Sơn Nhất, tạo sự so sánh về chất lượng dịch vụ giữa hai đơn vị cung cấp dịch vụ sân bay.
Sự độc quyền của ACV trong hạ tầng hàng không thời gian qua có thể do lịch sử để lại. Song hiện là thời điểm thích hợp để đánh giá lại vai trò của ACV trong quản lý, đầu tư, khai thác công trình kết cấu hạ tầng hàng không trước và sau khi cổ phần hóa.
Trên cơ sở này, các cơ quan chức năng cần làm rõ những công trình nhất thiết phải do ACV đầu tư để đảm bảo an ninh quốc phòng, các dự án còn lại phải sớm tiến hành công bố rộng rãi danh mục đầu tư theo hình thức xã hội hóa để các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tham gia đấu thầu.
Đây là giải pháp căn cơ để có thể vừa đảm bảo bình đẳng, minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh, vừa giúp giảm bớt tình trạng độc quyền - hiện còn khá nặng nề trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng hàng không.