|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương yêu cầu TKV và Đông Bắc cung cấp đủ than cho nhiệt điện

07:53 | 19/03/2022
Chia sẻ
Bộ Công Thương yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đảm bảo năng lực sản xuất than, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc về việc "đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện", theo báo Chính phủ.

Theo đó, Bộ yêu cầu hai doanh nghiệp này đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký, nhất là với các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

"Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.

Nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương chỉ đạo khẩn - Ảnh 1.

Do ánh hưởng của dịch COVID-19, nhân sự bị F0 nên khai thác, sản xuất than của TKV bị gián đoạn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Trước đó, Bộ Công Thương đã nhận được một số văn bản của một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm theo hợp đồng đã ký.

Theo đó, 2 tháng đầu năm, tổng khối lượng than thực cấp của Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN chỉ tương đương 69% khối lượng hợp đồng đã ký và thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này.

Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 cũng không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng cung cấp than đã ký từ cuối năm 2013 và như vậy có thể dẫn tới nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.

Để xảy ra tình trạng này, tập đoàn TKV lý giải một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong thời gian vừa qua là ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến thiếu hụt nhân lực làm việc tại các mỏ than.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga- Ukraine trong những ngày từ cuối tháng 2 trở lại đây, khiến giá các loại nhiên liệu như dầu, khí, xăng và cả than ở nhiều thị trường quốc tế đã liên tục tăng cao.

Việc vận chuyển nhiên liệu bằng các phương thức vận tải đều có nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt, kể cả các chuyến tàu biển vận chuyển than. Điều này không chỉ làm hạn chế khối lượng than lưu thông trên thị trường mà còn làm giá than quốc tế cũng đã tăng cao kỷ lục chưa từng có so với trước đây.

Ngoài ra, TKV thông tin 2 tháng đầu năm, sản lượng than nguyên khai đạt 6,3 triệu tấn, than sạch thành phẩm 6,1 triệu tấn, than tiêu thụ 6,7 triệu tấn, bóc đất đá 16,6 triệu m3, đào 32.577 m lò.

Trong tháng 3, Tập đoàn đặt kế hoạch sản xuất 4 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 5 triệu tấn; bóc đất tổng số 18 triệu m3, đào 23.340 m3 lò; sản xuất Alumina 120 ngàn tấn; sản xuất 800 triệu Kwh điện…

Hoàng Anh

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...