|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương tính tăng mua điện từ Trung Quốc, Lào tới 2030

15:46 | 16/02/2025
Chia sẻ
Bộ Công Thương dự kiến tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào lần lượt thêm 3.000 MW và 2.500 MW đến năm 2030, cao hơn 1,5-5 lần so với quy hoạch hiện nay.

Chính phủ dự kiến tăng trưởng hai chữ số trong những năm tới, để sớm đạt mục tiêu thành nước thu nhập cao vào 2045. Với mục tiêu này, nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%.

Tại dự thảo lấy ý kiến về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Bộ Công Thương tính toán quy mô hệ thống điện Việt Nam phải đạt 210.000 MW đến 2030 và tăng lên 840.000 MW vào 2050. Mức này cao hơn lần lượt 35% và 50% so với Quy hoạch điện VIII đã duyệt.

Bên cạnh các nguồn trong nước (thủy điện, điện khí, năng lượng tái tạo...), điện nhập khẩu là một trong phương án để đảm bảo nhu cầu sử dụng năng lượng với mục tiêu tăng trưởng cao thời gian tới.

Theo kịch bản của Bộ Công Thương, tỷ trọng điện nhập khẩu có thể chiếm 5% tổng công suất nguồn điện lắp đặt tới 2030. Mức này cao hơn khoảng 1,7% quy hoạch hiện hành và 4% tính tới cuối 2024.

Cụ thể, Bộ đề xuất nhập khẩu điện khoảng 3.700 MW từ Trung Quốc vào 2030, tăng 3.000 MW so với Quy hoạch điện VIII.

Thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đàm phán tăng mua điện từ nước này lên 2,4 tỷ kWh, công suất 730 MW giai đoạn đến 2026. Từ 2027-2028, mức mua có thể lên khoảng 19 tỷ kWh một năm, công suất 4.100 MW.

EVN cũng nghiên cứu đề xuất mua thêm khoảng 3.000 MW từ Trung Quốc qua trạm đặt tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, với sản lượng 15 tỷ kWh mỗi năm. Nếu kế hoạch này được duyệt, nguồn điện từ nước láng giềng sẽ đấu nối vào trạm biến áp 500 kV Lào Cai và giải tỏa công suất chủ yếu qua đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên (dự án truyền tải dự kiến vận hành đầu năm 2026).

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện chưa có cam kết nào với quy mô nhập khẩu điện từ Trung Quốc. "Thời gian tới, các cấp có thẩm quyền của hai nước cần tiếp tục đàm phán, làm rõ và sớm ký kết thỏa thuận", Bộ này cho biết. Cùng với đó, nhà điều hành sẽ nghiên cứu, đánh giá tính khả thi về kinh tế-kỹ thuật với quy mô nhập khẩu điện từ nước này.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tính tăng mua điện từ Lào, dự kiến đạt 6.800 MW vào 2030 trong kịch bản tăng trưởng cao. Mức này cao hơn gần 1,6 lần so với công suất đưa ra tại Quy hoạch điện VIII (4.300 MW).

Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ hai nước láng giềng trên do các quốc gia này dư nguồn, nhất là thủy điện và có kế hoạch xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Công Thương, lượng điện nhập khẩu tăng đều những năm qua, đạt 5 tỷ kWh vào cuối 2024. Riêng năm 2021 sản lượng giảm còn khoảng 1,4 tỷ kWh do tạm dừng mua từ Trung Quốc.

Hiện Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.000 MW điện từ Lào qua các đường dây 220 kV liên kết. Theo hiệp định giữa hai chính phủ, tổng công suất nhập khẩu từ nước này dự kiến tăng lên 5.000-8000 MW năm 2030.

Với Trung Quốc, điện được mua qua hai đường dây 220 kV Malungtang - Hà Giang và Maquan - Lào Cai trong mùa khô, với tổng công suất khoảng 550 MW, sản lượng 2-3 tỷ kWh mỗi năm.

Ngoài điện nhập khẩu, khi điều chỉnh Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương cũng đưa ra kịch bản phát triển tăng các nguồn điện trong nước tới 2030. Chẳng hạn, so với quy hoạch hiện hành, nhà điều hành dự kiến cả nước sẽ tăng thêm 30.000 MW điện mặt trời, thủy điện nhỏ 5.700 MW; điện gió trên bờ 6.000 MW. Ngoài ra, còn các nguồn pin tích năng 12.500 MW, điện sinh khối 1.400 MW, linh hoạt (LNG kết hợp năng lượng tái tạo) 2.700 MW...

Phương Dung