|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CEO WiGroup: Muốn bơm tiền ra cần có tỷ giá 'ủng hộ' nhưng bộ đệm dự trữ ngoại hối không còn dồi dào

16:02 | 19/02/2025
Chia sẻ
Theo ông Trần Ngọc Báu, muốn giải ngân đầu tư công, bơm tiền ra nhiều nhưng nếu tỷ giá không "ủng hộ" thì cũng không thể nào làm được. Hiện tại bộ đệm dự trữ ngoại hối chỉ còn 2,3 - 2,4 tháng nhập khẩu. Vì vậy, muốn tỷ giá ổn định cần có nguồn cung USD từ bên ngoài.

Sáng 19/2, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ được nâng lên 8% trở lên và CPI bình quân tăng khoảng 4,5 - 5%,kế hoạch đầu tư công năm nay sẽ được tăng lên 36 tỷ USD, tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao trước đó,...

Tập trung vào nội lực

Ông Nguyễn Hoàng LinhGiám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF). (Ảnh: HA).

Bàn về những yếu tố có thể hỗ trợ Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025 tại Toạ đàm Data Talk: “Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô” diễn ra ngày 18/2, ông Nguyễn Hoàng LinhGiám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, năm 2025 có rất nhiều biến động từ môi trường bên ngoài và chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, phải tập trung vào những yếu tố có thể chủ động được là nội lực từ bên trong.

"Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP. Điều này đồng nghĩa, khi đánh giá về nền kinh tế Việt Nam phải đặt trong bối cảnh gắn kết với các nền kinh tế khác trên thế giới", ông Linh nói.

Chỉ ra ba thách thức của năm 2025, gồm: Nền kinh tế tại các nước phát triển suy yếu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là nếu Tổng thống Trump áp thuế quan đối ứng lên hàng hoá Việt Nam sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn và có thể làm thu hẹp thặng dư thương mại của nước ta.

Bên cạnh đó, rủi ro chính sách cao trong những tháng đầu năm Trump nhận chức có thể trì hoãn dòng vốn đầu tư toàn cầu, từ đo tác động tiêu cực ngắn hạn lên dòng vốn FDI vào Việt Nam. Khi các yếu tố từ bên ngoài biến động thì cần tập trung thúc đẩy nguồn lực trong nước. Trong đó, thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo động lực lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025, ông Linh nhận định.

Để làm được điều này, Chính phủ cần tạo động lực cải cách thể chế, từ đó giúp khơi thông các nút thắt pháp lý và cải thiện hiệu quả đầu tư công. Bên cạnh đó, tinh gọn bộ máy sẽ cung cấp thêm dư địa về nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công. Việc tiết kiệm được chi phí cho chi thường xuyên sẽ giúp có thêm nguồn vốn cho đầu tư công.

Khi đầu tư công thực hiện được đúng vai trò và phát huy được hiệu quả thì sẽ giúp cho các ngành khác phát triển theo. Việc cải cách thể chế cũng giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý từ đó hỗ trợ cho thị trường bất động sản.

Trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, thực tế đầu tư tư nhân mới chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong những năm gần đây, đầu tư tư nhân tăng trưởng rất chậm, năm 2023 là gần 3% năm 2024 là khoảng 8 - 9%, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 15% của các năm trước dịch.

Trong đầu tư của khu vực tư nhân có tới 40% là đầu tư về lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, nếu khơi thông được vấn đề về pháp lý, các dự án mở mới, nhu cầu về xây dựng bất động sản tăng trở lại thì đầu tư tư nhân sẽ tăng trưởng, có thể tiệm cận mức trước dịch.

Bên cạnh đó, chuỗi giá trị kéo theo của ngành bất động sản gồm xây dựng và vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi theo. Trong giai đoạn trước năm 2016, thị trường bất động sản cũng từng bị khủng hoảng nhưng nhờ kiểm soát được lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất hỗ trợ nên các doanh nghiệp xây dựng phục hồi lợi nhuận rất tốt trong giai đoạn 2016 - 2018.

Cuối cùng với nhu cầu vốn đầu tư lớn, ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển xã hội. 

Dự trữ ngoại hối còn 2,3 - 2,4 tháng nhập khẩu

Ông Linh phân tích, ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2025 là duy trì thanh khoản của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho tăng trưởng. Vì vậy, nếu bán dự trữ ngoại hối và rút VND ra khỏi hệ thống thì càng làm cho thanh khoản tiền đồng bị áp lực và gây áp lực nên tỷ giá. Đây là điều mà NHNN hoàn toàn không mong muốn.

Dù vậy, ông Linh cũng đánh giá cung cầu ngoại tệ năm 2025 có vẻ như đã ổn định hơn rất nhiều. Do đó, những biến động về tỷ giá hiện nay hầu hết mang tính chất ngắn hạn.

Ông Trần Ngọc Báu –Chuyên gia Kinh tế Tài chính, Sáng lập & Tổng Giám đốc WiGroup. (Ảnh: HA).

Liên quan đến câu chuyện đầu tư công, ông Trần Ngọc Báu –Chuyên gia Kinh tế Tài chính, Sáng lập & Tổng Giám đốc WiGroup cho rằng, muốn phát huy hết vai trò của nội lực trong nước thì phải có sự hỗ trợ của nước ngoài.

"Ví dụ chúng ta muốn giải ngân đầu tư công, bơm tiền ra nhiều nhưng nếu tỷ giá không "ủng hộ" thì cũng không thể nào làm được", ông Báu nói.

Khi Chính phủ bơm tiền ra qua đầu tư công, lãi suất tiền đồng sẽ giảm, VND yếu đi gây áp lực tỷ giá. Vì vậy, để có thể điều tiết thị trường NHNN có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bù lại bằng cách bán ra nhưng hiện giờ dự trữ ngoại hối đang gần cạn nên sẽ là thách thức lớn.

Nếu muốn nội lực phát huy hết vai trò của mình chúng ta phải có bộ đệm tốt hoặc có bên ngoài hỗ trợ. Hiện tại bộ đệm dự trữ ngoại hối chỉ còn 2,3 - 2,4 tháng nhập khẩu. Vì vậy, muốn tỷ giá ổn định cần có nguồn cung USD từ bên ngoài thông qua: Đầu tư FDI, thặng dư thương mại, kiều hối... để bổ trợ vào, ông Báu phân tích.

Trong khi đó, xuất nhập khẩu và FDI sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài đặc biệt năm nay là năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

"Việc ông Trump có ủng hộ Việt Nam hay không sẽ thể hiện rất nhiều qua những biến động về xuất khẩu và dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam sau khi Mỹ áp chính sách thuế quan với các nước. Câu chuyện thuế quan có rất nhiều kịch bản, nếu Chính quyền ông Trump ủng hộ Việt Nam thì kể cả áp thuế xong Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng xuất khẩu", ông Báu nói.

Đối với khu vực trong nước, muốn tăng trưởng tốt thì chỉ số sản xuất công nghiệp phải tăng trưởng tích cực và khu vực bất động sản được khơi thông.

"Thị trường nội địa muốn phục hồi trở lại thì khối ngân hàng và khối tư nhân, bao gồm cả đầu tư tư nhân, tiêu dùng tư nhân mà muốn tăng trưởng được, thì bất động sản phải được khơi thông. Nếu bất động sản không khơi thông thì tiêu dùng tư nhân vẫn rất hạn hẹp vì bất động sản chiếm tầm ảnh hưởng lớn trong việc quyết định chi tiêu tiêu dùng", ông Báu nói.

Sau một loạt vấn đề về pháp lý, những nỗ lực khai thông của thị trường bất động sản, năm đầu tiên của một chu kỳ phục hồi mới mức động biến động giá thực sự của bất động sản và mức độ căn chỉnh của nhà điều hành sẽ quyết định thị trường phản ứng như thế nào, chuyên gia phân tích.

Hạ An