Bộ Công Thương tạm hoãn tước giấy phép 5 doanh nghiệp đầu mối
Tạm hoãn tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu
Phản hồi về thông tin Bộ Công Thương tước giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung xăng dầu trong nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 5/2, Bộ Công Thương có quyết định thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả các thương nhân, tổng đại lý và đại lý.
Qua các cuộc kiểm tra, ngày 31/8 Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu, tổng số tiền phạt hơn 13,3 tỷ đồng.
Đồng thời, áp dung hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong vòng 1,5 tháng đối với 5 thương nhân đầu mối, gồm Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro).
Nguyên nhân là các công ty không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối hiện hành. Khi bị tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, 5 doanh nghiệp này sẽ không được xuất nhập khẩu, không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho thương nhân khác…”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Ông Hải cho biết Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên. Tuy nhiên cũng cần nhìn vào khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho 100 triệu dân.
Sau khi họp, Bộ Công Thương quyết định trước mắt sẽ xử phạt hành chính các doanh nghiệp theo đúng quy định, còn hình thức tước giấy phép trong một thời hạn sẽ áp dụng trong một thời điểm phù hợp.
Lần đầu tiên giá dầu cao hơn xăng
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lý giải về việc giá dầu cao hơn xăng - hiện tượng dị biệt trong ngành xăng dầu ở kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua.
Đối với thị trường thế giới, xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung khí đốt cho châu Âu và Mỹ giảm, các nước ráo riết tìm mua dầu diesel và dầu hoả để thay thế khí đốt. Điều này dẫn đến giá dầu tăng mạnh, tương đương giá xăng.
Đáng chú ý trong những tháng gần đây, giá dầu đã cao hơn nhiều so với xăng khi mùa đông đang đến gần. Hiện, bình quân giá xăng ở mức khoảng 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng.
Còn ở thị trường trong nước, cơ cấu giá xăng và dầu, các mức chi phí, thuế kinh doanh định mức rất khác nhau.
Cụ thể, thuế nhập khẩu dầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0 - 0,72%, trong khi thuế nhập khẩu xăng là 9,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu 0% trong khi xăng ở mức 8-10%. Do đó, thông thường giá bán lẻ dầu diesel thấp hơn xăng vì dầu.
Tuy nhiên ở kỳ điều chỉnh ngày 5/9, lần đầu tiên giá bán lẻ dầu diesel và dầu hỏa cao hơn giá xăng do chênh lệch giữa giá dầu và xăng lên đến 30 - 35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước cao hơn xăng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định việc giá dầu cao hơn xăng không phải chuyện lạ. Điều này cũng xảy ra ở các nước như Italy, Hungary, Đức, Pháp, Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Mỹ…
Để hỗ trợ các đối tượng sử dụng nhiều dầu như ngành vận tải, ngư dân đánh bắt hải sản, Văn phòng chính phủ đã đề nghị Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và các bộ Tài chính, NN&PTNT nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người cho thu nhập thấp và ngư dân.
Phản hồi về câu hỏi trong nhiều kỳ điều hành gần đây, Liên bộ liên tục trích lập vào quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) ở mức cao. Điều này có gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng quỹ BOG hoạt động theo cơ chế khi giảm thì trích, khi tăng thì chi.
“Quỹ BOG là quỹ tài chính không nằm trong cân đối nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận, toàn bộ quỹ được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Đây là tiền của doanh nghiệp và người dân, không mất đi đâu cả”, Thứ trưởng Công Thương khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, bình quân giá xăng dầu thế giới biến động 11-45% nhưng trong nước chỉ tăng tăng 1-40% nhờ việc trích – chi quỹ BOG hợp lý.