|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương đề nghị Mỹ xem xét kỹ các vụ điều tra phòng vệ với sản phẩm công nghiệp

10:53 | 22/09/2023
Chia sẻ
Trước xu hướng gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét kỹ, đảm bảo tính công bằng, khách quan cho hoạt động giao thương.

Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Mỹ tham dự Phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc và các hoạt động song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ (DOC).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Thương mại Mỹ chỉ đạo hoàn tất tiến trình xem xét khởi xướng rà soát thay đổi hoàn cảnh ngay trong năm 2023 nhằm sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam theo tinh thần Tuyên bố chung ngày 11/9/2023 và kế hoạch hành động đã thống nhất giữa lãnh đạo hai nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lo ngại khi tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng gia tăng, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương đề nghị DOC sẽ xem xét các ý kiến của Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại, tính công bằng, khách quan, minh bạch cho hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. (Ảnh: TTXVN) 

Về phía DOC, Bộ trưởng Gina Raimondo ghi nhận việc Việt Nam đã chính thức đề nghị khởi xướng rà soát hoàn cảnh (CCR) để xem xét công nhận kinh tế thị trường cho Việt Nam. Bộ trưởng sẽ trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình xem xét, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Hai Bộ trưởng thống nhất hai cơ quan cần tăng cường thảo luận, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi trong tương lai như năng lượng, hàng không, đất hiếm và khoáng sản tối quan trọng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, sản xuất xanh…

Đồng thời tìm ra những phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa cam kết của lãnh đạo hai nước.

Hoàng Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.