Bộ trưởng Bộ Thương mại: Sẽ thúc đẩy để Mỹ sẽ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam
Phát biểu tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo dịp Thủ tướng tới Mỹ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Thủ tướng đề nghị Bộ Thương mại Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng, là động cơ của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ. Để triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tạo đột phá trong hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam như: Điện tử, dệt may, da giày, nông sản, hoa quả tươi, cùng hợp tác để giữ thương mại hai chiều tăng trưởng như những năm vừa qua.
Đồng thời, xem xét thỏa đáng lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, không dùng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng cùng có lợi.
Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết sẽ thúc đẩy để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, phối hợp triển khai các nội dung đã thống nhất trong Tuyên bố chung, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại và đầu tư…, tiếp tục đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Bộ trưởng Gina Raimondo cũng cho biết,các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư và tin tưởng sau khi hoàn tất đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư sẽ đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.