|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Trung Quốc tính lập quỹ giải cứu các công ty tài chính ngập trong nợ nần

06:12 | 01/04/2022
Chia sẻ
Mục tiêu của Trung Quốc là ngăn chặn rủi ro từ các ngân hàng nhỏ và doanh nghiệp phát triển bất động sản yếu kém. Tiền sẽ được huy động từ nhiều nguồn, bao gồm bảo hiểm tiền gửi và đóng góp của các ngân hàng.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock).

Bảo vệ hệ thống tài chính

Giới chức Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch huy động vài trăm tỷ nhân dân tệ (khoảng vài chục tỷ USD) để thành lập một quỹ mới nhằm chống đỡ cho các công ty tài chính đang gặp rắc rối, nguồn tin giấu tên của Bloomberg tiết lộ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) là cơ quan dẫn đầu nỗ lực trên. Mục tiêu của PBoC là củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính quy mô 60.000 tỷ USD của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc và khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản lan rộng.

Thời gian qua, Trung Quốc đã dốc sức ngăn chặn rủi ro trong hệ thống tài chính, từ hàng trăm ngân hàng yếu kém ở vùng nông thôn cho đến hàng chục nhà phát triển bất động sản đang oằn mình dưới gánh nặng nợ nần. Ước tính khối nợ phải trả của các tổ chức này không dưới 1.000 tỷ USD.

Thách thức của Bắc Kinh ngày càng tăng khi cuộc khủng hoảng nợ lan từ thị trường bất động sản ra nền kinh tế, trong lúc COVID-19 tái bùng phát, đe dọa phá hoại động lực tăng trưởng của đất nước tỷ dân.

Chức năng chính của quỹ mới là giải cứu tổ chức tài chính. Tuy nhiên, quỹ cũng có thể gián tiếp giúp đỡ những công ty "quá lớn để sụp đổ" trong các ngành khác, ví dụ như bất động sản, bằng cách cung cấp vốn thông qua ngân hàng. Đây sẽ là quỹ đầu tiên được dành riêng để đảm bảo sự ổn định tài chính trên phạm vi rộng, khác với các quỹ trước nhắm vào đối tượng cụ thể hơn.

PBoC đang làm việc với Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng và Bộ Tài chính Trung Quốc để thành lập quỹ. Vốn sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các chính quyền địa phương và ngân hàng lớn, cũng như từ các quỹ tiền được thành lập để bảo hiểm tiền gửi cá nhân, giải cứu doanh nghiệp bảo hiểm và tín thác. 

Tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thiện quỹ mới vào tháng 9. Kế hoạch thành lập quỹ đã được thông báo từ trước bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường trong tháng 3.

Giới chức quản lý ngành ngân hàng cho biết quỹ trên sẽ được sử dụng để giải trừ các rủi ro lớn và trở thành một phần của tấm lưới an toàn cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc không nói rõ nguồn tiền sẽ đến từ đâu hoặc quy mô lớn đến mức nào.

Theo kế hoạch đề xuất, có khả năng các nhà quản lý sẽ tăng phí bảo hiểm tiền gửi mà ngân hàng phải trả. Quy mô của quỹ có thể được nâng lên nếu cần thiết. Chi tiết của kế hoạch vẫn đang được bàn luận và cần sửa đổi sau.

Giải cứu ngân hàng

PBoC xếp hạng 316 tổ chức tài chính là thực thể rủi ro cao vào quý IV/2021, phần lớn trong số đó là các ngân hàng nông thôn nhỏ.

Niềm tin của công chúng vào ngành ngân hàng địa phương đã bị xói mòn vào năm 2019 khi giới chức Trung Quốc giành quyền kiểm soát Baoshang Bank ở Nội Mông và gây thiệt hại cho một số chủ nợ.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua Trung Quốc thực hiện một động thái như vậy. Kể từ đó Trung Quốc đã tổ chức giải cứu hai ngân hàng khác và can thiệp để dập tắt ít nhất là hai vụ rút tiền hàng loạt.

 

Trong một lưu ý ngày 7/3, các nhà phân tích của Citigroup nói việc thành lập quỹ mới báo hiệu rằng giới chức Trung Quốc đang “chủ động thực hiện các bước nhằm ngăn chặn tác động lan tràn từ làn sóng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản tới hệ thống tài chính. Các bước này có thể giúp giảm thiểu rủi ro tín dụng mà giới ngân hàng đối mặt trong lâu dài”.

Gần đây giới chức quản lý đã nới lỏng giới hạn lên các khoản vay mua nhà và kêu gọi các công ty quản lý nợ xấu lớn nhất nước tham qua vào quá trình tái cấu trúc các nhà phát triển bất động sản yếu kém. Những động thái này diễn ra sau khi nhiều công ty bao như China Evergrande vỡ nợ và người mua nhà tổ chức biểu tình.

Giang