Bloomberg: Ở Việt Nam nhà máy vẫn chạy hết công suất bất chấp Trump rút khỏi TPP
Hãng may mặc Nhà Bè có nhiều thứ để trông đợi vào Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Đây là nhà cung cấp cho hàng loạt tên tuổi lớn như Calvin Klein, Michael Kors hay Kenneth Cole. Tổng giá trị hàng xuất khẩu của công ty tăng gấp đôi kể từ 2011, đạt 729 triệu USD trong năm 2016. Số lượng nhà máy cũng tăng gấp đôi sau 5 năm lên 35. Nhà Bè từng hy vọng rằng việc Việt Nam là thành viên TPP sẽ giúp giảm mạnh thuế má cho hàng của công ty vào các nước tham gia Hiệp định.
Tuy vậy, chỉ với một nét bút, Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump đã giết chết một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng, một hiệp định hứa hẹn sẽ mang lại đà tăng trưởng 8% cho tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đến năm 2030, theo tính toán của World Bank. Tuy vậy, việc này vẫn không làm giảm nhiệt huyết của các công ty đa quốc gia ở Việt Nam, vốn là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu đến Mỹ trong khu vực ASEAN.
"Chúng tôi đã lấp đầy tất cả các nhà máy", giám đốc điều hành của may Nhà Bè phụ trách việc sản xuất và thiết kế, ông Michael Laskau nói. "Chúng tôi không cho rằng khách hàng sẽ bỏ đi".
Lâu nay, ông Trump dành rất nhiều từ mạnh để chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thương mại, đe dọa sẽ áp thuế 45% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các công ty trong quyết định chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc đến một nơi nào đó, ví dụ như Việt Nam.
Việt Nam, Philippines là những nước sẽ thiệt hại nhất nếu thương mại với Mỹ suy giảm. Trong biểu đồ là tỷ lệ hàng xuất khẩu dến Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của từng nước. |
TPP đi vào ngõ cụt có thể phần nào khiến Việt Nam bớt "lấp lánh", nhưng lực lượng lao động trẻ và giá rẻ vẫn sẽ tiếp tục là thỏi nam châm với các nhà đầu tư quốc tế.
"Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành cần nhiều lao động cũng như với các nhà đầu tư đang muốn nắm bắt thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh tại đây", Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế từ Natixis SA ở Hong Kong nói.
Hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình cải cách và vẫn tuân thủ tất cả các cam kết trong thỏa thuận thương mại.
Với sự bùng nổ vốn đầu tư nước ngoài trong những năm qua, Việt Nam đã chuyển mình từ một nước chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo hay cà phê thành một trung tâm sản xuất mới của Đông Nam Á.
Tainan Spinning, một công ty may mặc Đài Loan có 4.500 nhân công tại đây nói với Bloomberg rằng kết cục của TPP không làm ảnh hưởng đến kế hoạch của công ty tại đây. "Với sức mạnh và những cam kết của Việt Nam, công ty chúng tôi đang cân nhắc sẽ tiếp tục mở rộng trong nửa cuối năm nay".
Phương án thay thế cho Trung Quốc
Với những nhà đầu tư đang tìm sự thay thế cho Trung Quốc, có ít ứng viên đáp ứng được nhu cầu mức lương giá rẻ như Việt Nam, chỉ bằng khoảng một phần ba so với Trung Quốc, cộng thêm việc tiếp cận dễ dàng với các cảng biển. Joseph Incalcaterra, chuyên gia về châu Á của HSBC Holdings ở Hong Kong nói rằng Việt Nam vẫn là lựa chọn tốt.
Trong số các công ty đang muốn rời Trung Quốc có Yue Yuen Industrial Holding, nhà cung cấp giày cho nhiều thương hiệu như Adidas, Nike. Chuyên gia phân tích Catherine Lim của Bloomberg cho biết Yue Yuen và công ty may Shenzhoe International "có thể chuyển dịch nhà máy sang các nước khác, ví dụ như Việt Nam hay Indonesia để tránh ảnh hưởng" nếu Mỹ áp dụng hình phạt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện 40% sản phẩm của Yue Yuen được sản xuất ở Việt Nam, nhờ vào chi phí thấp, hỗ trợ từ chính phủ và đội ngũ lao động lành nghề. "Chúng tôi không trông đợi bất cứ ảnh hưởng nào từ TPP đối với các quyết định về dây chuyền sản xuất ở Việt Nam của công ty", người phát ngôn của Yue Yuen nói.
Việt Nam xuất khẩu 177 tỷ USD hàng hóa ra thế giới trong năm 2016, trong đó phần lớn là điện thoại và linh kiện điện thoại, hàng may mặc, máy tính và linh kiện máy tính, giày dép túi xách. |
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 15% trong năm ngoái lên con số 38,5 tỷ USD. Dệt may và vải vóc chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu.
TPP có thể giúp loại bỏ 17% thuế nhập khẩu vào Mỹ đối với hàng may mặc. Nhờ TPP, các nhà sản xuất hàng may mặc Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào Mỹ. Và khi không có hiệp định, lợi thế này sẽ bốc hơi.
Ngoài ra, chuyên gia Trinh Nguyen từ Natixis chỉ ra rằng "Việt Nam vẫn chưa có một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, vốn là đối tác thương mại rất quan trọng với Việt Nam và cũng là nền kinh tế lớn nhất thế giới".
Các công ty Mỹ ở Việt Nam rất thất vọng với động thái của Tổng thống mới. "Quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống là tin xấu với các công ty Mỹ và Việt Nam, với cộng đồng nhà đầu tư cũng như những người công nhân, nông dân, người tiêu dùng", Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Việt Nam nói với Bloomberg.
Bùng nổ FDI
Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã chuyển dịch sang thời kỳ hậu TPP từ trước đó. Năm ngoái, bất chấp hai ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton đều phản đối TPP. Việt Nam vẫn thu hút được con số kỷ lục vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, vốn FDI tăng 9% so với 2016 lên khoảng 15,8 tỷ USD. Ngành sản xuất và gia công chiếm phần lớn, dẫn đầu là hai dự án vốn Hàn Quốc gồm 1,5 tỷ USD từ LG Display và 550 triệu USD từ LG Innotek.
LG Display cho biết ảnh hưởng của việc Mỹ rút khỏi TPP đối với hoạt động của công ty tại Việt Nam là không đáng kể.
Quyết định đầu tư ở Việt Nam "không chỉ phụ thuộc vào vấn đề lợi ích thuế", công ty cho biết. "Do đó, sẽ không có nhiều thay đổi trong quyết định đầu tư hay chiến lược kinh doanh của chúng tôi tại đây".
Là một phần trong thỏa thuận TPP, Chính phủ Việt Nam nhất trí tăng cường cải cách các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ- ASEAN cho rằng trong khi TPP sẽ không thể tiếp tục mà không có Mỹ, Việt Nam vẫn không vì thế mà rút lại cuộc cải cách của mình nhằm trở nên thân thiện hơn với các nhà đầu tư.