|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bloomberg đưa ra bằng chứng mới về việc chip gián điệp Trung Quốc tấn công các tập đoàn Mỹ

15:48 | 10/10/2018
Chia sẻ
Một tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ phát hiện thiết bị có gắn chip gián điệp của Super Micro và loại bỏ thiết bị này vào tháng 8 vừa qua. Đây là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc cài thiết bị đánh cắp dữ liệu vào các sản phẩm công nghệ xuất khẩu sang Mỹ.

Sau khi hãng tin Bloomberg đăng bài viết điều tra chấn động về việc lực lượng tình báo Trung Quốc cài cắm các chip gián điệp vào máy chủ do hãng Super Micro sản xuất, ông Yossi Appleboum - chuyên gia về an ninh công nghệ đã cung cấp nhiều tài liệu, phân tích và các bằng chứng khác về một tập đoàn truyền thông bị ảnh hưởng bởi chip gián điệp.

bloomberg dua ra bang chung moi ve viec chip gian diep trung quoc tan cong cac tap doan my

Ông Yossi Appleboum

Tổng Giám đốc Sepio Systems.

Ông Appleboum từng công tác tại đơn vị công nghệ thuộc Lực lượng Tình báo lục quân Israel. Hiện ông Appleboum là đồng Tổng Giám đốc của công ty Sepio Systems tại Gaithersburg, bang Maryland. Công ty của ông chuyên về lĩnh vực an ninh phần cứng và từng được thuê để kiểm tra các trung tâm dữ liệu lớn thuộc một tập đoàn viễn thông. Bloomberg không nêu tên cụ thể của tập đoàn này vì ông Appleboum đã có thỏa thuận bảo mật thông tin với khách hàng của mình.

Hội đồng quản trị của Seipo System bao gồm Chủ tịch Tamir Pardo – cựu giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel. Hội đồng cố vấn của công ty còn có ông Robert Bigman – cựu trưởng phòng an toàn thông tin tại Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Sau khi nhận thấy những tín hiệu bất thường từ một máy chủ, công ty Sepio Systems của Appleboum tiến hành kiểm tra kỹ từng bộ phận của thiết bị và phát hiện một con chip nhỏ gắn vào cổng kết nối Ethernet của máy chủ đó.

Ông Appleboum cho biết ông từng thấy những thủ thuật tương tự được các nhà thầu Trung Quốc, không riêng gì Super Micro, áp dụng với phần cứng máy tính của khách hàng của ông. “Super Micro cũng là một nạn nhân như tất cả những tập đoàn khác”, ông nói.

Theo ông Appleboum, điều làm ông lo ngại nhất là có vô số điểm trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà những kẻ tấn công có thể lợi dụng để gắn chip gián điệp, và việc xác định chính xác đâu là khâu có vấn đề gần như là không thể. “Đó chính là vấn đề với chuỗi cung ứng Trung Quốc”, ông nói.

Về phần mình Super Micro, trụ sở tại San Jose, California cho biết: “Sự bảo mật của khách hàng và tính toàn vẹn của sản phẩm là những giá trị cốt lõi của chúng tôi. Chúng tôi đảm bảo tính đồng nhất và toàn vẹn của sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất và sự an toàn của chuỗi cung ứng là một vấn đề rất quan trọng trong ngành này. Hiện chúng tôi chưa biết đến bất kỳ linh kiện nào không được phép xuất hiện trong sản phẩm của mình và cũng chưa có khách hàng nào phản hồi rằng tìm thấy những linh kiện trái phép đó trong sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi rất không hài lòng khi Bloomberg chỉ cung cấp cho chúng tôi rất ít thông tin mà không có tài liệu cụ thể nào và chỉ cho chúng tôi nửa ngày để phản hồi”.

Theo Bloomberg, hãng tin này liên hệ Super Micro lần đầu tiên vào lúc 9h23 sáng thứ Hai tuần này và cho công ty 24h để hồi đáp.

bloomberg dua ra bang chung moi ve viec chip gian diep trung quoc tan cong cac tap doan my
Ảnh minh họa.

Về bài báo điều tra trước đó của Bloomberg, Super Micro “cực lực phản đối” thông tin cho rằng các máy chủ mà công ty này bán cho khách hàng có chứa chip gián điệp siêu nhỏ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trực tiếp đề cập vấn đề Super Micro có cài chip gián điệp vào sản phẩm hay không mà chỉ nói an toàn chuỗi cung ứng là “một mối quan tâm chung và Trung Quốc cũng là một nạn nhân”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không đưa ra bình luận khi được hỏi quan điểm hôm thứ Hai tuần này.

Hôm thứ Năm tuần trước, giá cổ phiếu Super Micro giảm 41% sau khi Bloomberg đưa tin về sản phẩm chứa chip gián điệp của hãng. Hôm thứ Ba tuần này, giá cổ phiếu tiếp tục giảm 27% sau các thông tin mới được Bloomberg công bố.

Sau khi kiểm tra kỹ máy chủ của khách hàng, ông Appleboum khẳng định thiết bị này đã bị can thiệp gắn chip tại nhà máy sản xuất. Ông cho biết các quan hệ của ông trong giới tình báo phương Tây cho rằng máy chủ này được sản xuất tại một nhà máy của nhà thầu phụ của Super Micro tại tỉnh Quảng Châu – một thành phố cảng ở Đông Nam Trung Quốc. Cách Quảng Châu 90km là thành phố Thẩm Quyến – nơi được coi là “Thung lũng Silicon về phần cứng” và là nơi đặt trụ sở của những gã khổng lồ công nghệ như Tencent hay Huawei.

Chiếc máy chủ bị gắn chip gián điệp được đặt tại một cơ sở có rất nhiều máy chủ Super Micro và các chuyên viên kỹ thuật của tập đoàn viễn thông đó không biết những dữ liệu gì đã chạy qua chiếc máy chủ bị gắn chip. Hiện không rõ tập đoàn viễn thông này có liên hệ với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về vấn đề này không.

Người phát ngôn Tập đoàn viễn thông AT&T cho biết “Các thiết bị này không nằm trong mạng lưới của chúng tôi, và chúng tôi không bị ảnh hưởng”.

Người phát ngôn của Verizon cũng nói “Chúng tôi không bị ảnh hưởng”.

Người phát ngôn của Sprint nói “Sprint không sử dụng thiết bị của Supermicro".

Tập đoàn T-Mobile U.S không phản hồi Bloomberg khi được hỏi.

Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) cho rằng không có lý do gì để nghi ngờ những phản bác ý kiến của của các tập đoàn truyền thông trong vấn đề này.

Theo Bloomberg, các cuộc điều tra liên quan tới vụ tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu giai đoạn 2014-2015 được bộ phận an ninh mạng và phản gián của FBI tiến hành và Bộ an ninh nội địa có thể đã không được thông báo. Các cuộc điều tra phản gián là những công việc hết sức bí mật và chỉ có một số rất ít cơ quan bên ngoài được cho biết.

Ông Appleboum nói thêm, ông từng được các cơ quan tình báo ngoài nước Mỹ tham vấn và được các cơ quan này cho biết họ đang theo dõi các phần cứng bị can thiệp của Super Micro và các công ty khác.

Sau bài báo điều tra của Bloomberg, Cơ quan An ninh Quốc gia Thụy Điển cũng cho biết tổ chức này "ý thức được vấn đề" liên quan tới sản phẩm của Super Micro từ tháng 6 năm nay. Tổ chức này không xác nhận các chi tiết được đề cập trong bài báo của Bloomberg nhưng cho biết đã liên hệ với nhiều đối tác để thảo luận vấn đề này.

Mạng lưới viễn thông của Mỹ là những mục tiêu quan trọng của các tổ chức tình báo nước ngoài vì dữ liệu từ hàng triệu điện thoại di động, máy tính và các thiết bị khác chạy qua mạng lưới này. Cài chip gián điệp là công cụ chính để các tổ chức tình báo bí mật tiếp cận các mạng lưới này, theo dõi và ăn cắp các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và bí mật của chính phủ.

Xem thêm

Kiên Dương