Apple, Amazon và Trung Quốc khẳng định vô can trong vụ chip gián điệp, Bloomberg quả quyết tấn công mạng đã xảy ra
Mời độc giả đọc trước phần 1:
Chấn động: Trung Quốc đã tấn công và lấy cắp bí mật của gần 30 tập đoàn của Mỹ như thế nào? |
Theo một bài báo mới đây của Bloomberg, những chip gián điệp này là đối tượng của một cuộc điều tra tối mật của chính phủ Mỹ từ năm 2015. Các con chip được sử dụng để thu thập thông tin về tài sản trí tuệ và các bí mật thương mại từ các tập đoàn Mỹ. Có khả năng những chip gián điệp này được một công ty máy chủ của Trung Quốc có tên Super Micro cài vào các thiết bị dùng trong các trung tâm dữ liệu lớn.
Cả Apple, AWS và Super Micro đều phản đối thông tin trong bài báo của Bloomberg. Apple cho biết hãng này không hề phát hiện thấy các chip gián điệp như Bloomberg nói. Super Micro thì phủ nhận việc cài các chip gián điệp trong quá trình sản xuất.
Con chip gián điệp chỉ có kích thước nhỏ như hạt gạo hoặc đầu bút chì. Hình phóng to bên phải. |
Sau thông tin của Bloomberg, giá cổ phiếu của Super Micro sụt giảm 40%. Hoạt động giao dịch cổ phiếu Super Micro đã bị sàn Nasdaq đình chỉ vào ngày 23/8 sau khi công ty này liên tục chậm công bố thông tin tài chính với Ủy ban chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu này giờ chỉ còn được giao dịch trên thị trường phi tập trung.
Cổ phiếu Apple liên tiếp giảm 1% và 1,62% trong hai phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu Amazon cũng giảm lần lượt 1,5% và 1%.
Trả lời hãng tin CNBC, Apple tái khẳng định: Chúng tôi cực kỳ thất vọng vì trong quá trình trao đổi với chúng tôi, các phóng viên của Bloomberg đã không cởi mở về khả năng họ hoặc các nguồn tin của họ có thể sai lầm hoặc hiểu không chính xác vấn đề. Chúng tôi chỉ có thể phán đoán rằng họ đã nhầm với một sự kiện được đưa tin vào năm 2016. Khi đó chúng tôi phát hiện một ổ cứng trong một máy chủ Super Micro duy nhất tại một phòng nghiên cứu của chúng tôi bị ảnh hưởng. Sự việc này được xác định là chỉ mang tính chất tình cờ, không phải một cuộc tấn công cố ý nhằm vào Apple”.
AWS cũng chia sẻ với hãng tin CNBC: “Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Bloomberg trong vài tháng qua và chúng tôi chưa từng nói rằng đã phát hiện chip gián điệp hoặc thiết bị phần cứng bị chỉnh sửa trên bo mạch chủ của SuperMicro trong bất kỳ hệ thống nào của Elemental hay Amazon”. Super Micro thì khẳng định “Chúng tôi không biết gì về cuộc điều tra của chính phủ Mỹ”.
(Elemental là một công ty công nghệ được Amazon mua lại vào năm 2015. Theo Bloomberg, trong quá trình thẩm định Elemental để chuẩn bị cho việc mua lại, Amazon đã phát hiện các chip gián điệp được gắn bởi Super Micro lên thiết bị của Elemental.)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thẳng thừng phủ nhận liên quan đến vụ việc mà nói “An toàn chuỗi cung ứng trên không gian mạng là một mối lo chung và Trung Quốc cũng là nạn nhân”.
Về phần mình, Bloomberg dẫn lời của 6 quan chức hoặc cựu quan chức an ninh chính phủ Mỹ (không nêu tên) về việc phát hiện những con chip gián điệp và cuộc điều tra của chính phủ.
Các quan chức an ninh này cùng với một số cán bộ cao cấp làm việc tại Elemental, Amazon và Apple xác nhận một cách chi tiết cách Elemental và Amazon bị tấn công, sự hợp tác của Amazon trong cuộc điều tra của chính phủ và rằng Apple cũng là một nạn nhân. Theo Bloomberg có tổng cộng 17 người xác nhận việc thiết bị phần cứng của Supermicro đã bị gắn chip gián điệp.
Một quan chức chính phủ Mỹ nhận định: Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là tiếp cận các bí mật doanh nghiệp có giá trị lớn và mạng máy tính nhạy cảm của chính phủ Mỹ. Hiện chưa có thông tin để khẳng định dữ liệu của người dân bị lấy cắp.
Những hệ quả của cuộc tấn công này sẽ còn kéo dài. Chính quyền Tổng thống Trump đã xác định phần cứng máy tính và phần cứng mạng (bao gồm các bo mạch chủ) là các mặt hàng trọng tâm của đợt thuế quan chống Trung Quốc mới đây. Nhà Trắng cũng nói rõ rằng chính phủ Mỹ mong muốn thông qua chính sách thuế này, các công ty sẽ chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác.
Đã nhiều năm nay các quan chức chính phủ Mỹ liên tục cảnh báo về tính an toàn của chuỗi cung ứng phần cứng công nghệ nhưng không nói rõ lý do chính là gì. Việc chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có thể làm yên lòng các cơ quan quản lý tại Mỹ.
Theo một bài báo mới đây của Bloomberg, vấn đề chip gián điệp được phát hiện lần đầu vào năm 2015 và được xác nhận bởi các chuyên gia điều tra an ninh độc lập. Cũng theo Bloomberg, các máy chủ của Super Micro đã bị loại khỏi hệ thống Apple cùng năm 2015, sau đó Apple cắt đứt quan hệ với Super Micro năm 2016. Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ, nhưng rất ít khi bị cáo buộc trực tiếp, trong các chiến dịch gián điệp quy mô lớn dựa vào các thiết bị phần cứng sản xuất tại nước này. Đa phần các thiết bị điện tử sử dụng trong đồ công nghệ tại Mỹ đều được sản xuất tại Trung Quốc. Trong năm qua, các công ty sản xuất linh kiện như Huawei và ZTE, cũng như nhà sản xuất camera giám sát Hikvision đều bị chính phủ Mỹ nghi ngờ và giám sát hết sức chặt chẽ. Vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất gây cản trở các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. |