|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bloomberg: Các CEO mới là những người có nguy cơ bị thất nghiệp nhiều nhất trong năm 2022

08:15 | 11/01/2022
Chia sẻ
Dịch bệnh COVID-19 không còn là lý do khiến những người đứng đầu công ty cảm thấy lo lắng, sợ mất việc mà thay vào đó là những vấn đề khác.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 72% CEO lo lắng về việc "thất nghiệp" vào năm 2022 bởi tình hình kinh doanh trục trặc và 94% người đứng đầu công ty thừa nhận mô hình công ty của họ cần được đánh giá lại, theo Bloomberg.

Simon Freakley, CEO AlixPartners, đơn vị thực hiện khảo sát, cho biết: "Đó là mức cao ngất ngưởng. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như thị trường lao động đều đang đồng loạt căng thẳng." 

AlixPartners đã thực hiện khảo sát khoảng 3.000 CEO hoặc nhân sự ở cấp lãnh đạo tương đương, ở khoảng 10 lĩnh vực kinh doanh và một nửa trong số đó có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm. Khảo sát được thực hiện ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á Thái Bình Dương.

Không phải nhân viên, các CEO đang là người lo lắng cho vị trí của mình nhất - Ảnh 1.

Hai nhân vật quyền lực trong ngành công nghệ vừa rời khỏi vị trí CEO trong năm 2021. (Ảnh: Gulf News).

Các sếp lớn luôn lo lắng về việc mất việc, đặc biệt là tại các công ty đại chúng. Năm ngoái, khảo sát cho thấy khoảng 50% có nỗi lo về điều này và sự lo lắng ấy ngày càng lớn dần.

Hiện tại, chuỗi cung ứng, thị trường lao động và hoạt động số hóa đứng đầu danh sách các mối quan tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Khi đại dịch càng trở nên phức tạp, COVID-19 đã không nằm trong danh sách 10 mối lo hàng đầu trong năm 2022 của người lãnh đạo. Chỉ 3% giám đốc điều hành cho rằng COVID-19 là mối quan tâm chính của họ. 

Freakley cho biết ông có một giả thuyết về nỗi sợ bị "mất ghế" đang ngày càng tăng của các CEO. Theo đó, những người còn sống sót sau đại dịch 2020 và giữ công ty hoạt động ổn định trong năm 2021, nhận ra rằng họ đang ngày càng phải chịu áp lực nhiều hơn từ những vấn đề nảy sinh trong đại dịch.

Ông Freakley cho biết: "Họ nhận ra rằng các mô hình kinh doanh hoạt động ổn định trong nhiều năm của họ đã không còn phù hợp với tình hình hiện tại và những người đứng đầu đang gấp rút xây dựng các chuỗi cung ứng liền mạch từ địa phương, khu vực cũng như toàn cầu." Theo CEO AlixPartners, từ "biển" nỗi lo về đại dịch vào năm 2020, các CEO đang phải đối mặt tiếp với "đại dương" vấn đề nảy ra do COVID-19 trong năm 2021.

Năm 2021 chứng kiến hai người đứng đầu nổi tiếng trong giới công nghệ là CEO Jeff Bezos của Amazon và Jack Dorsey của Twitter rời vị trí lãnh đạo. Với Jeff Bezos, vị tỷ phú này chọn nghỉ hưu sau bao năm lèo lái con thuyền Amazon, trong khi Jack Dorsey chọn rời bỏ Twitter để tìm kiếm thử thách mới ở Square, nơi ông đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành.

Theo nhà nghiên cứu Challenger, Grey & Christmas, sự ra đi của các CEO ở Mỹ, bất kể họ đã bị sa thải hay vừa nghỉ hưu hoặc chuyển sang các công việc khác chỉ tăng 1,1% cho đến tháng 11 so với cùng kỳ năm 2020.

Lĩnh vực công nghệ là nơi có tỷ lệ cao nhất. 39 CEO đã rời các công ty hàng đầu chỉ trong tháng 10 và 11, tổng cộng có 162 người rời khỏi công ty tính đến hết tháng 11. Trong năm 2020, 126 CEO công nghệ đã nghỉ việc.

"Công việc của một CEO luôn căng thẳng... Những thống kê này đang nói lên áp lực mà các giám đốc điều hành cấp cao đang cảm nhận, họ phải liên tục tìm ra các chiến lược thích nghi với những biến động mới", ông Simon Freakley nói. 

Các CEO không giống như nhân viên, dù COVID-19 không phải là mối bận tâm của họ nhưng những người đứng đầu doanh nghiệp lại đang lo lắng nhiều hơn khi phải dành thời gian trong năm mới để đối phó với những hậu quả mà dịch bệnh gây ra.

Thùy Trang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.