|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Biến đổi khí hậu đã đến điểm bùng phát

17:11 | 29/07/2019
Chia sẻ
Đợt nắng nóng kỷ lục ở nhiều nước châu Âu trong tuần trước cho thấy biến đổi khí hậu đã tiến đến điểm bùng phát, đòi hỏi các chính phủ phải sớm có hành động quyết liệt để giảm khí thải nhà kính.
Biến đổi khí hậu đã đến điểm bùng phát  - Ảnh 1.

Người dân tắm ở các đài phun nước Trocadero gần Tháp Eiffel ở Paris khi nhiệt độ lên cao mức kỷ lục 42,6 độ C ở Pháp vào ngày 25-7. Ảnh: Reuters

“Liệu tất cả chúng ta đang tự giết mình?”. Đó là một tựa đề lạ lùng cho một buổi diễn hài kịch vào cuối tuần trước ở London (Anh) nhưng danh hài độc thoại người Anh, Carl Donnelly, đã chọn chủ đề môi trường vào một thời điểm quá chính xác.

Với nhiệt độ trong ngày chạm các mức kỷ lục mới ở nhiều thành phố tại Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh trong đợt nắng nóng hồi tuần trước, đám đông khán giả ở một quán bar ở London dường như đánh giá cao những lời độc thoại hài hước nhưng sâu cay về mối đe dọa sống còn mà biến đổi khí hậu đang áp đặt cho hành tinh.

Dấu hiệu ngày càng rõ ràng về tình trạng nóng lên của trái đất đang gây áp lực lớn cho giai đoạn đàm phán mang tính quyết định của các chính phủ trên thế giới để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015, một nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tránh thảm họa khí hậu do lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng.

Khi các nghiên cứu liên tục được công bố cho thấy các tác động của khí thải nhà kính đối với khí hậu từ các mẫu hình thời tiết cực đoan cho đến băng tan chảy ở vùng cực và mực nước biển dâng cao đang vượt các dự báo ban đầu, các nhà đàm phán của các chính phủ chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để nỗ lực biến các mục tiêu tham vọng đã được nhất trí ở Paris vào năm 2015 thành các kết quả ý nghĩa.

“Có rất nhiều rủi ro nghiêm trọng trong 18 tháng tiếp theo”, Sue Reid, Phó Chủ tịch ở bộ phận khí hậu và năng lượng của tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Các nền kinh tế có trách nhiệm môi trường (CERES) trụ sở ở TP. Boston, Massachusetts (Mỹ), nói.

“Đây là thời điểm then chốt cho lãnh đạo các nước và khu vực tư nhân muốn thực sự đảo ngược đường cong đi lên của khí thải nhà kính”, Reid nhấn mạnh.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu cần phải giảm xuống vào năm 2020 để có cơ hội đạt được mục tiêu tham vọng của Thỏa thuận Paris: giữ nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng tối đa 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.

Với lượng khí thải nhà kính đang gia tăng như tốc độ hiện nay, nếu không kiểm soát, nhiệt độ trái đất có thể tăng hơn 3 độ C vào cuối thể kỷ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres, đang nỗ lực thuyết phục các chính phủ phải đưa ra cam kết cắt giảm khí thải lớn hơn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu ở New York vào tháng 9 tới.

Hồi cuối năm ngoái, khi đưa ra lời cảnh báo với các lãnh đạo thế giới rằng việc thất bại trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính sẽ là “con đường dẫn đến tự sát”, ông Guterres muốn tạo động lực trước vòng đàm phán mới của Liên hợp quốc về khí hậu ở Chile vào tháng 12-2019.

Vào cuối năm nay, Anh cũng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, trong đó sẽ đưa ra kế hoạch hứa hẹn giúp giảm gần 50% lượng khí thải toàn cầu trong thập kỷ tới.

“Trong một năm rưỡi đến, chúng ta sẽ chứng kiến cường độ vận động ngoại giao về khí hậu chưa từng thấy kể từ lúc Thỏa thuận Paris được ký kết”, Tessa Khan, luật sư về biến đổi khí hậu quốc tế, đồng Giám đốc Mạng lưới kiện tụng về khí hậu, nói.

Các nghiên cứu khoa học gần đây có thể gây bất an cho các nhà đàm phán về khí hậu. Nhà nghiên cứu khí hậu người Mỹ Michael Mann, Giám đốc Trung tâm Khoa học hệ thống trái đất ở Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), cho rằng cần phải cắt giảm khí thải nhà kính mạnh hơn mức mà IPCC đề xuất vì ủy ban này có thể đã đánh giá thấp mức nhiệt độ đã tăng lên trái đất kể từ thời tiền công nghiệp.

“Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta có lẽ chỉ còn có thể đốt lượng nhiên liệu carbon thấp hơn 40% so với hơn mức IPPC gợi ý nếu chúng ra muốn tránh nhiệt độ trái đất tăng vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp”, Mann nói.

Ông kêu gọi các chính phủ phải xem việc chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo là nhiệm vụ khẩn cấp giống như cuộc vận động công nghiệp hóa của Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai. Cho đến nay, chưa có nền kinh tế lớn nào chú ý đến các lời kêu gọi như vậy.

Dù Anh đã tiếp thêm sức mạnh cho Thỏa thuận Paris khi đưa ra cam kết cắt giảm khí thải carbon về mức 0 vào năm 2050 hồi tháng trước, nước này vẫn đang loay hoay giải quyết tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) nên chưa thể tập trung các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Tương tự, nỗ lực của Pháp và Đức nhằm vận động Liên minh châu Âu (EU) thông qua một mục tiêu tương tự đã thất bại khi nó bị đưa xuống phần chú dẫn không ràng buộc trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) hồi tháng trước.

Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary phản đối mục tiêu này vì cho rằng các nhà máy nhiệt điện than vẫn rất cần thiết đối với nền kinh tế của họ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ kế hoạch rút Mỹ hoàn toàn khỏi Thỏa thuận Paris như ông đã tuyên bố hồi tháng 6-2017.

Giữa lúc các triển vọng về hợp tác quốc tế để ổn định khí hậu trên trái đất vẫn không chắc chắn, một số học giả bắt đầu cảnh báo về viễn cảnh thế giới bị hủy hoại bởi biến đổi khí hậu.

“Hoặc chúng ta chuyển đổi triệt để cuộc sống con người trên trái đất bằng cách từ bỏ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch hoặc biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến sự kết liễu của nền văn minh tư bản được thúc đẩy bằng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu. 

Dù tạo ra cuộc cách mạng hay sụp đổ, trong cả hai trường hợp này, cuộc sống tốt đẹp như chúng ta đang biết sẽ không còn khả thi nữa”, nhà văn người Mỹ, Roy Scranton, viết trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Công nghệ của Viện Công nghệ Massachusetts hồi tháng 4.


Lê Linh