|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn điện vô tận dư thừa, tìm vùng đất mới lập nhà máy

14:06 | 29/07/2019
Chia sẻ
Một tháng sau khi kết thúc mức giá ưu đãi cho điện mặt trời, đến nay cơ chế giá mới vẫn chưa được thông qua. Các nhà đầu tư vừa nghe ngóng, vừa đi “săn” đất cho những dự án sắp tới.

Mông lung điện mặt trời sau 30/6

Những ngày cuối tháng 7, ông N.T.Đ., chủ tịch một công ty chuyên làm điện mặt trời, có mặt ở Hà Tĩnh để đánh giá khả năng đầu tư sau khi đã kịp hoàn thành 1 dự án ở Bình Thuận.

Nói về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 11 về cơ chế giá cho điện mặt trời, ông T.Đ. cho hay: Nếu mức giá không quá thấp và ở mức độ chấp nhận được thì các nhà đầu tư vẫn có thể cân nhắc lựa chọn đầu tư ở Ninh Thuận, Bình Thuận hay vùng khác. 

Nhà đầu tư không nhất nhất phải vào Ninh Thuận, Bình Thuận bởi họ đều nhìn rõ hệ thống truyền tải ở đây đang quá tải. Nếu đầu tư mà bị cắt giảm công suất thì người ta cũng sợ.

Nguồn điện vô tận dư thừa, tìm vùng đất mới lập nhà máy - Ảnh 1.

Vẫn chưa rõ giá điện mặt trời sau 30/6. Ảnh: Lương Bằng

Tại phương án giá điện mặt trời sau 30/6, đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, Bộ Công Thương bổ sung phương án chia 2 vùng giá, bên cạnh phương án chia làm 4 vùng như dự thảo ban đầu.

Theo cách phân 2 vùng, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent (tương đương 1.758 đồng) mỗi kWh với dự án điện mặt trời mặt đất.

Vùng 2 gồm 6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận,... vùng 1 là các tỉnh còn lại.

Ở phương án 4 vùng,  vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung ở các tỉnh phía Bắc) có mức giá cao nhất (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh).

Đặc biệt là, vùng 4 - vùng có tiềm năng cao nhất (Ninh Thuận, Bình Thuận... ) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.150 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng trong vòng 20 năm).

Nói về mức giá điện mặt trời trong dự thảo của Bộ Công Thương ở những vùng có bức xạ mặt trời lớn thấp hơn đáng kể so với trước, ông T.Đ. đánh giá: "Nếu hạ giá xuống ngay tôi sợ chính sách chuyển sang hướng khác, không phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư năng lượng sạch nữa".

Theo ông T.Đ., mức giá nhà đầu tư chấp nhận được dao động trong khoảng 1.700-1.850 đồng/kWh. Còn mức giá 1.525 đồng/kWh thì ngưỡng giữa lỗ và hòa là khá mong manh.

Ở phía Bắc - khu vực ít tiềm năng điện mặt trời, mức giá được Bộ Công Thương đưa ra là khá cao. Tuy nhiên, ông T.Đ. đánh giá: Miền Bắc làm cũng làm được điện mặt trời nhưng rủi ro cho nhà đầu tư rất cao.

Ngoài việc số giờ nắng ít, chỉ tập trung mấy tháng hè thì tình hình mưa bão thường xuyên diễn ra, chưa kể mưa đá. Trong khi đó, Ninh Thuận và Bình Thuận bão rất ít, còn số giờ nắng gần như quanh năm.

“Giá cao mà số giờ nắng để phát điện thấp thì cũng không hiệu quả”, ông T.Đ. nói.

Một nhà đầu tư điện mặt trời khác cho hay: Mong muốn của nhà đầu tư lúc nào cũng là được hưởng mức giá cao. Nhưng có một mong muốn khác lớn hơn không kém là Nhà nước tạo ra một cơ chế mang tính dài hạn chứ không phải 1-2 năm lại điều chỉnh một lần. 

Như vậy, các nhà đầu tư chạy theo rất mệt, ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn. Đặc biệt, điều đó cũng sẽ hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn mạnh.

“Họ nhìn thấy cơ chế không mang tính dài hạn, không mang tính chiến lược thì họ oải. Nếu có cơ chế tốt mang tính dài hạn, các doanh nghiệp đầu tư năng  lượng sạch tiếp cận nguồn vốn nước ngoài giá rẻ sẽ rất dễ. Bởi vì quan điểm rót vốn của các Quỹ đầu tư nước ngoài cho năng lượng sạch rất ổn.

Vì cơ chế của ta vẫn rất ngắn hạn nên nước ngoài đứng quan sát là chính”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Nguồn điện vô tận dư thừa, tìm vùng đất mới lập nhà máy - Ảnh 2.

Giá điện mặt trời sẽ bớt ưu đãi hơn. Ảnh: Lương Bằng

Tìm vùng đất mới cho điện mặt trời

Trong bối cảnh những vùng có bức xạ mặt trời cao như Ninh Thuận, Bình Thuận,... có dấu hiệu quá tải, nhiều nhà đầu tư đã đi “săn” điện mặt trời ở các tỉnh khác.

Với một nhà đầu tư như T.Đ., ông sẽ lựa chọn rót tiền vào một tỉnh mà có số giờ nắng khoảng 2.000 giờ/năm, đảm bảo mức hoàn vốn trung bình là 8-9 năm với một dự án 50MW.

Xét theo số giờ nắng này, các tỉnh từ Quảng Trị trở vào có nhiều tiềm năng.

Dù vậy, Hà Tĩnh cũng vẫn được lựa chọn là một điểm đến, dù số giờ nắng chỉ ở mức 1.600 giờ/năm (tùy khu vực). Bù lại, nếu theo các dự thảo hiện tại, Hà Tĩnh được hưởng mức giá cao trên 2.000 đồng/kWh.

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay địa phương này có 1 dự án hòa lưới trước 1/7 là dự án điện mặt trời Cẩm Hòa. Còn lại, đang có 700 MW xếp hàng, trong đó 2 dự án vì vướng giải phóng mặt bằng nên không kịp triển khai để hoàn thành vận hành trước 1/7/2019.

Nói về việc chưa có cơ chế giá điện mặt trời mới, một quan chức địa phương bày tỏ: Trước đây, mức giá 9,35cent/kWh giúp nhà đầu tư có cơ sở hạch toán đầu tư. Còn giờ vẫn chưa thấy gì.

“Nhiều đối tác nước ngoài đến trao đổi và làm việc với tỉnh, họ nói không ai làm điện mặt trời như chúng ta cả. Không nên tập trung các dự án điện mặt trời vào một chỗ vì khi có mưa là sập cả hệ thống. Nguyên tắc là phải phân tán để tránh nguồn bị ảnh hưởng”, vị này chia sẻ. Ngoài ra, bao giờ cũng phải có nguồn dự phòng để ổn định điện trên lưới do tính chất phập phù của điện mặt trời.

“Ví dụ, cần phải xác định địa phương này có 1.000 MW thủy điện hay nhiệt điện thì tương đương cho phát triển điện mặt trời là bao nhiêu, chứ không phải cứ thấy nhà đầu tư muốn làm bao nhiêu cũng đồng ý”, vị này góp ý.


Lương Bằng