|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bí quyết thành công của ngân hàng: phục vụ nhóm khách hàng duy nhất

14:14 | 04/09/2019
Chia sẻ
Các ngân hàng thương mại cần một chiến lược thực sự sắc bén trong thời kì 4.0: lựa chọn và tập trung vào duy nhất một phân khúc khách hàng.

Chúng ta hiện đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - một chương quan trọng trong quá trình phát triển của toàn nhân loại. Diễn đàn kinh tế thế giới từng đề cập đến cách mạng 4.0 như một thời đại các công nghệ mới đang phát triển với tốc độ và qui mô vô song trong lịch sử, theo World Finance

Để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh này, các công ty và mô hình hoạt động của họ cũng đều thay đổi nhanh chóng. 

Cuộc khảo sát 2018 Global CEO Outlook của KPMG 2018  đã phỏng vấn 1.300 CEO trong 11 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy 71% các CEO nói rằng họ đã sẵn sàng chuyển đổi căn bản mô hình hoạt động và cần một thể chế tài chính mới.

Phục vụ một nhóm khách hàng duy nhất

Ngày nay, kì vọng về một đối tác ngân hàng của các doanh nghiệp đang tăng lên. Những công ty có tốc độ phát triển nhanh mong muốn được phục vụ bởi các ngân hàng có hiểu biết sâu về doanh nghiệp thay vì chỉ cung cấp các dịch vụ cố định.

Họ muốn được đối xử như thể họ là khách hàng duy nhất của ngân hàng. Vậy giải pháp đối với ngân hàng là gì?

Bài viết đưa ra vấn đề đầu tiên mà các ngân hàng thương mại nên tập trung vào là việc cải thiện trải nghiệm người dùng, tập trung vào tính đơn giản, trực quan và cập nhật. Điều này bao gồm sử dụng các công cụ tích hợp cung cấp giải pháp theo cách khách hàng yêu cầu, tư duy và sử dụng hàng ngày. 

Các ngân hàng thương mại thường áp dụng một phương pháp tiếp cận chung cho nhiều nhóm đối tượng khác và đặc biệt, hiếm khi cung cấp các giải pháp phù hợp với nhu cầu cụ thể của công ty.

Thứ hai, các ngân hàng nên thực hiện lộ trình tư vấn giúp khách hàng phát triển doanh nghiệp thông qua cơ cấu, mức độ kiểm soát và phân quyền phù hợp với các hoạt động và mục tiêu của họ. 

Cuối cùng, cung cấp trải nghiệm tích hợp bao quát tất cả dịch vụ và thị trường trên toàn cầu là chiến lược lâu dài nhưng cần thiết.

B041-Bank-of-the-West-1376x1032

Các ngân hàng thương mại trên thế giới cần đổi mới trong thời kì Cách mạng 4.0. Ảnh: World Finance

Cổng thanh toán toàn cầu

Các giải pháp cá nhân một ngân hàng thương mại cung cấp cần phải được mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Bước đầu tiên là đảm bảo các dịch vụ của ngân hàng được liên kết theo những mục tiêu và cơ cấu tổ chức của khách hàng, có thể thay đổi linh hoạt trên nhiều thị trường.

Mỗi công ty đều có nhu cầu riêng biệt liên quan đến chuỗi cung ứng và tài chính. Để giải quyết mối lo ngại ngày càng tăng về việc kinh doanh tại thị trường quốc tế, các ngân hàng thương mại nên tập trung vào việc giảm thiểu ranh giới tổ chức và địa lí vốn đang hạn chế sự tăng trưởng.

Một yếu tố khá cần thiết khác là ngân hàng thương mại cần có kiến thức chuyên môn và địa phương về các ngành cụ thể nhằm giúp khách hàng định vị cạnh tranh trong lĩnh vực liên quan. 

Ví dụ, khi một công ty bất động sản hàng đầu châu Âu quyết định thâm nhập thị trường Mỹ, ngân hàng Bank of the West đã hướng dẫn thủ tục cũng như tiềm năng và rủi ro của việc mua đất lô tại California cho công ty này. 

Điều này đòi hỏi kiến thức thị trường và đánh giá chung về quy định cũng như thủ tục bất động sản tại địa phương. Dịch vụ này đã khiến Bank of the West được đánh giá rất cao trong giới doanh nghiệp Bắc Âu.

Bảo mật và an ninh mạng

Cuối cùng, ngay cả một giao dịch cá nhân đơn giản nhất cũng không hiệu quả nếu không được bảo mật thông qua an ninh mạng và phòng chống gian lận. Những biện pháp này giúp bảo vệ cả ngân hàng và công ty đối tác nên là mối quan tâm được ưu tiên hàng đầu.

Khi các rủi ro về an ninh mạng tiếp tục đe dọa mọi khả năng cạnh tranh, triển vọng tăng trưởng và sự tồn tại của một công ty, 49% các CEO khẳng định tội phạm công nghệ cao có thể xảy ra hàng ngày nhưng chỉ 51% trong số đó tin rằng họ đã chuẩn bị hệ thống bảo mật đầy đủ.

Trong bối cảnh mới, các ngân hàng nên sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro thay vì qui tắc bảo mật nhằm phục vụ khách hàng linh hoạt hơn. Từ mã thông báo truyền thống đến sinh trắc học, các lớp bảo mật nên được nâng cấp và tích hợp hoàn thiện vào mọi hệ thống giao dịch.

Trong lĩnh vực thanh toán, tăng quyền kiểm soát và cung cấp khả năng chống gian lận lớn hơn cho khách hàng cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí giao dịch nhưng là một sự đánh đổi xứng đáng.

Để thực sự giải quyết được nhu cầu của khách hàng trong nhiều phân khúc, các đối tác ngân hàng thương mại phải không ngừng đầu tư vào đổi mới, đóng vai trò trung gian giữa các giải pháp địa phương và chuyên môn thị trường, xây dựng mạng lưới toàn cầu và cung cấp các biện pháp bảo vệ an ninh mạng tiên tiến. 

Đó sẽ là chìa khóa thành công cho cả ngân hàng thương mại và đối tác doanh nghiệp trong thời kì Cách mạng 4.0 đầy tiềm năng song cũng nhiều rủi ro đang chờ đợi.

Thu Phương