|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng đi đâu, về đâu?

21:00 | 24/01/2019
Chia sẻ
Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose) vừa công bố rổ chỉ số VN30 áp dụng cho giai đoạn sáu tháng mới, bắt đầu từ tháng 2-2019. Một số cổ phiếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn bị loại, thay vào đó có ba cổ phiếu ngân hàng TCB (Techcombank), HDB (HDBank) và EIB (Eximbank).
co phie u ngan ha ng di dau ve dau

Giờ đây trong VN30 có mặt tám ngân hàng CTG, EIB, STB, HDB, VCB, TCB, MBB, VPB, chiếm tỷ lệ áp đảo về tỷ trọng vốn hóa cũng như thanh khoản và giá trị giao dịch. Các quỹ đầu tư hoạt động trên nguyên tắc bám VN30 không còn cách nào khác là bắt buộc phải có cổ phiếu những ngân hàng trên trong danh mục.

Trong tương lai gần, khi BIDV bán cổ phần cho nước ngoài, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước, nhiều khả năng BID sẽ quay trở lại rổ VN30. Chưa kể một số ngân hàng khác sẽ niêm yết hoặc chuyển sàn từ Hnx và UpCom về Hose. Cổ phiếu ngân hàng sẽ còn củng cố vị trí trên thị trường chứng khoán Việt.

Cổ phiếu ngân hàng là nhóm mang tính đại chúng cao do khối lượng có thể giao dịch lớn. Chính những ưu thế kể trên sẽ tác động mạnh mẽ đến VN-Index và xu thế dòng tiền. Cổ phiếu ngân hàng lên, thị trường sẽ lên và ngược lại. Mà để cổ phiếu ngân hàng lên hay xuống đều cần nguồn vốn quy mô để hỗ trợ hoặc rút ra khỏi thị trường.

Năm ngoái, bất chấp nhiều ngân hàng làm ăn tốt, lợi nhuận cao hơn năm trước đó, nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm. Những cổ phiếu hàng đầu như VCB ghi nhận sự biến động nhẹ hơn trên nền tảng lợi nhuận trước thuế ở mức cao nhất trong lịch sử và cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết.

Năm nay, lãnh đạo các ngân hàng tỏ ra dè dặt hơn năm ngoái khi đề cập đến tăng trưởng lợi nhuận. Hoạt động tín dụng đang bị siết lại bởi hạn mức tín dụng được phân bổ trong khi lợi nhuận từ mảng dịch vụ cho dù được đa dạng hóa, cũng không thể tăng tốc như tín dụng. Các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, ngân quỹ cũng ngày một khó khăn do điều hành tỷ giá, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ngày càng linh hoạt và khó tiên liệu cho đầu cơ. Một số ngân hàng “tiến quân” vào cho vay tiêu dùng một cách thận trọng khi những cảnh báo về nợ xấu từ mảng này đang có dấu hiệu nổi lên.

Năm 2019 có những thử thách mà ngành ngân hàng phải đối mặt, trong đó thử thách chính vẫn là chất lượng tài sản và tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng đòi hỏi của Basel II. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết con số nợ xấu thật của hệ thống hiện tại là 6,5% trên tổng dư nợ 7 triệu tỉ đồng, tương đương 455.000 tỉ đồng hay 19,6 tỉ đô la Mỹ. So với thời kỳ đỉnh cao, số nợ xấu tuyệt đối giảm được 200.000 tỉ đồng. Nợ xấu tập trung ở một số ngân hàng đang tái cơ cấu. Ngoài ra gần đây các khoản lãi dự thu đang có xu hướng tăng lên. Nó cho thấy những khoản vay mới phát sinh trong năm 2018 không phải không tiềm ẩn nợ xấu. Cộng toàn bộ lợi nhuận và số trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng vẫn chưa đủ để xử lý hết tổng số nợ xấu đang có.

Tận dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, năm 2017-2018 một số ngân hàng đã mua lại nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để lấy lại tài sản thế chấp chủ yếu là nhà đất và phát mãi, thu hồi nợ. Các ngân hàng nỗ lực bán tài sản để thu hồi nợ gốc, còn lãi xử lý sau. Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng bán được và một số tài sản được bán với giá trị thu hồi chưa đủ để trả nợ gốc. Những khoản vay dạng này được một số ngân hàng bù đắp thiệt hại từ nguồn dự phòng rủi ro. Nay những tài sản có khả năng bán được, ngân hàng đã phát mãi, còn lại là những tài sản khó bán.

Thực ra có những tài sản ngân hàng chấp nhận bán lỗ nhưng ngay cả như vậy cũng không bán được như tài sản đảm bảo là tàu thuyền của các công ty vận tải biển, nhà xưởng máy móc thiết bị của những doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, nay xuống cấp chỉ có thể bán theo giá… sắt vụn, hay vườn cây công nghiệp như cao su, dầu cọ cằn cỗi vì doanh nghiệp không còn tiền trả lương công nhân để chăm sóc... Những khoản vay này trên sổ sách được gia hạn thành trung, dài hạn và lợi nhuận được đưa vào lãi dự thu. Đấy chính là nợ xấu tiềm ẩn mà sự xử lý sẽ làm bung ra những kết quả “đau đớn”.

Bên cạnh đó nhu cầu tăng vốn đang trở thành cấp bách đối với hai ngân hàng VietinBank và Agribank, mà cả hai đều chưa tìm ra nguồn trừ khi Nhà nước chịu bỏ thêm vốn đầu tư cùng với cổ đông hiện hữu.

Cổ phiếu ngân hàng, do đó, sẽ không phải tất cả đều nhìn về một hướng. Sẽ có sự phân hóa rõ nét. Sự phân hóa nào suy cho cùng, cũng nằm trên nền tảng chung. Giới đầu tư buộc phải quan sát kỹ lưỡng cổ phiếu ngân hàng để đoán định đường đi nước bước của thị trường. Cổ phiếu ngân hàng đi đâu, về đâu, thì VN-Index sẽ đi theo đấy, về theo đấy.

Hải Lý