Bí quyết giúp đại gia sữa 'rũ bùn đứng dậy sáng lòa' sau bê bối
Giá cổ phiếu của Tập đoàn công nghiệp Yili ở khu tự trị Nội Mông và Tập đoàn sữa Mengniu - hai "đại gia sữa" lớn nhất Trung Quốc - đã vọt tới mức cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh hai doanh nghiệp “săn lùng ráo riết” các mục tiêu để xây dựng chuỗi cung ứng sữa thông qua việc mua lại các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Một nguyên nhân nữa khiến giá cổ phiếu của hai tập đoàn tăng là triển vọng lợi nhuận cao trong bối cảnh họ chuyển dịch sang những mảng có lợi nhuận cao hơn như sữa chua hảo hạng và sữa bột trẻ em.
Giới đầu tư săn lùng cổ phiếu của Yili và Mengniu vì chúng có khả năng sinh lời cao và an toàn. Ảnh: scmp.com |
Trong bối cảnh nhu cầu đối với sản phẩm sữa tại Trung Quốc được dự báo tăng 37% lên 76 tỷ USD trong 5 năm tới – nghĩa là Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường sữa lớn nhất thế giới – đà tăng giá cổ phiếu của hai tập đoàn sẽ còn tiếp tục.
“Cổ phiếu của Yili và Mengniu đã thực sự trở thành danh mục ‘blue chip’ an toàn, và sự tăng giá của chúng sẽ còn bền vững do sự hỗ trợ của chính phủ đối với chiến lược thâu tóm đầy tham vọng của họ”, Meng Shen, giám đốc quỹ đầu tư Chanson & Co tại thành phố Bắc Kinh, phát biểu.
Nỗ lực thôn tính những đối thủ nhỏ hơn trong nước và mua chuỗi cung cấp nguyên liệu thô ở nước ngoài đóng vai trò then chốt để Yili và Mengniu tăng sự kiểm soát của họ trong thị trường sữa, nơi phải chờ tới một thập kỷ để phục hồi sau vụ bê bối nghiêm trọng vào năm 2008. Hai tập đoàn chiếm 44% thị phần sản phẩm sữa ở đại lục, theo số liệu của tổ chức Euromonitor International. Tập đoàn Bright Food ở Thượng Hải chiếm vị trí thứ ba với thị phần 4,8% - một khoảng cách rất xa.
Mengniu đã chi khoảng 2 tỷ USD để thâu tóm các đối thủ trong nước từ năm 2014, trong khi Yili tập trung vào việc chuyển danh mục sản phẩm sang những mảng có lợi nhuận cao hơn và đẩy mạnh tiếp thị trên toàn quốc. Giờ đây trọng tâm của họ đều hướng ra nước ngoài. Cả hai tập đoàn đều muốn mua lại Murray Goulburn, hãng sản xuất sữa lớn nhất Australia, trong một thương vụ có trị giá hơn một tỷ A$ (784 triệu USD), bao gồm nợ của Murray Goulburn.
Yili và Mengniu đều có nhiều tiền mặt. Hai tập đoàn thông báo tổng số tiền mặt của họ lên tới 23,5 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD) vào cuối năm 2016.
Trong 12 tháng qua, cả cổ phiếu Yili và Mengniu đều tăng hơn 40% giá trị, vượt xa mức tăng 11% của Chỉ số Shanghai Composite và 24% của chỉ số Hang Seng.
Vì Trung Quốc nới lỏng chính sách một con, hai tập đoàn sữa – với tổng giá trị thị trường lên tới hơn 36 tỷ USD – đang nỗ lực chiếm thị phần lớn hơn trong mảng sữa bột trẻ em, loại sản phẩm mà lợi nhuận đạt trên 50%.
Song từ khi khủng hoảng sữa bột độc hại bùng phát vào năm 2008, khi những loại sữa bột nhiễm melamine khiến 6 trẻ sơ sinh tử vong và hàng nghìn trẻ mắc bệnh, người tiêu dùng Trung Quốc chuộng những thương hiệu sữa ngoại hơn. Nestle, Danone, Mead Johnson là những thương hiệu thống trị thị trường sữa nội địa. Nhiều phụ huynh chỉ muốn mua trực tiếp sữa bột trẻ em từ siêu thị nước ngoài do những thương nhân mua kiểu “xách tay” hoặc mua trong những khu mậu dịch tự do.
Yili cố gắng xây dựng nguồn cung cấp nguyên liệu thô trên lãnh thổ nước ngoài. Vào năm 2013, hãng mua lại công ty sữa Oceania Dairy ở New Zealand sau khi những chủ trước của công ty này không còn tiền để xây dựng nhà máy. Sau đó, Yili đầu tư 600 triệu USD để mua hàng loạt thiết bị, bao gồm dây chuyền đóng hộp sữa bột trẻ em và máy sấy bột sữa.
Hiện tại 67 nông trại cung cấp nguyên liệu cho nhà máy của Oceania Dairy. Murray Goulburn, công ty sữa tại Australia mà cả Yili và Mengniu đều muốn mua, nhận nguồn nguyên liệu từ 2.000 nông trại. Việc mua nguồn cung cấp nguyên liệu sữa lớn và ổn định, cùng cơ sở chế biến sữa hiện đại có thể đẩy sản phẩm của họ lên tầm cao mới trong thị trường sữa trong nước.