|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường 'hắt hủi' thuốc kháng sinh mới: Nỗi lo của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỉ

09:19 | 05/05/2019
Chia sẻ
Các chuyên gia y tế khẳng định rằng, để có thể ngăn chặn đại dịch nhờn kháng sinh, chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với những hãng dược nghiên cứu thuốc kháng sinh mới.

Phận thảm của những hãng dược tâm huyết nghiên cứu kháng sinh mới

Achaogen đã chạy đua với thời gian trong 15 năm để nghiên cứu những thuốc kháng sinh chống siêu vi khuẩn. Tập đoàn nhắm vào một trong những siêu vi khuẩn đáng sợ nhất trong những phòng chăm sóc đặc biệt: carbapenem-resistant Enterobacteriaceae (viết tắt là CRE). Đây là chủng vi khuẩn có thể đoạt mạng một nửa số nạn nhân mà nó tấn công. Tháng 6 năm ngoái, các cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ phê chuẩn Zemdri, thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn CRE trong phòng thí nghiệm do Achaogen nghiên cứu. Từ góc độ y tế công, Achaogen là một thành công. Nhưng từ góc độ kinh doanh, đó là một thất bại. Doanh số của Zemdri trong 6 tháng đầu trên thị trường chưa đạt tới 1 triệu USD. Tháng 4 vừa rồi, Achaogen nộp đơn xin phá sản.

Bloomberg cho rằng thất bại của Achaogen gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bác sĩ đang chống những bệnh truyền nhiễm và chuyên gia y tế cộng đồng. Các hãng dược lớn đã ngừng nghiên cứu kháng sinh trong nhiều năm, khiến chính phủ Mỹ và cacs tổ chức từ thiện y khoa phải can thiệp bằng cách tài trợ cho các nghiên cứu. Giờ đây, giới chuyên gia y tế nhận ra rằng tiền tài trợ nghiên cứu sẽ vô nghĩa nếu thị trường không chấp nhận những loại thuốc mà chính phủ phê chuẩn.

"Chúng ta đang chứng kiến một thị trường thuốc kháng sinh tan nát", Helen Boucher, một bác sĩ của Trung tâm Y tế Tufts và là thủ quỹ của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA). Hiệp hội này rất lo ngại rằng các doanh nghiệp công nghệ sinh học khác - có khả năng sản xuất những loại thuốc kháng sinh đầy hứa hẹn - sẽ sụp đổ nếu tình hình không thay đổi.

Thị trường hắt hủi thuốc kháng sinh mới: Nỗi lo của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỉ - Ảnh 1.

Các hãng dược lớn không còn mặn mà với hoạt động nghiên cứu thuốc kháng sinh mới do thị trường không đón nhận chúng. Ảnh: ensia.com

Thị phần của những công ty công nghệ sinh học nhỏ tập trung vào nghiên cứu thuốc kháng sinh đã giảm mạnh trong một năm qua. 

"Doanh số của những thuốc kháng sinh mới rất đáng thất vọng, và đó là lý do các hãng dược xa lánh mảng này", Alan Carr, một nhà phân tích công nghệ sinh học tại công ty Needham & Co, nhận xét. Chỉ 5 trong số 16 thuốc kháng sinh xuất hiện trên thị trường từ năm 2000 tới năm 2015 đạt doanh số thường niên từ 100 triệu USD trở lên, theo một nghiên cứu do Trung tâm Chính sách Y tế Margolis thuộc Đại học Duke tiến hành vào năm 2017. Từ đó tới nay, phần lớn thuốc kháng sinh mà các hãng dược tung ra thị trường đều có doanh số èo uột.

Vô số rào cản đối với thuốc kháng sinh mới

Những thuốc kháng sinh mới phải thường xuyên cạnh tranh với những thuốc gốc (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược hết hạn, nhờ đó thường có giá rẻ). Chi phí đối với thuốc gốc thường không vượt quá 1.000 USD mỗi ngày, hoặc 10.000 USD cho một liệu trình điều trị. Trong khi đó, các thuốc trị ung thư có thể khiến bệnh nhân phải chi tới 100.000 USD mỗi năm. Vì thế, các hãng dược chỉ tập trung vào những loại thuốc mang lại lợi nhuận cao.

Lo ngại "tiếp tay" cho đại dịch nhờn kháng sinh, các bác sĩ điều trị bệnh truyền nhiễm luôn tỏ ra lưỡng lự khi sử dụng thuốc kháng sinh mới cho tới khi họ chắc chắn cần chúng.

"Khi một thuốc kháng sinh mới ra đời, toàn bộ cộng đồng chuyên môn liên quan tới nó sẽ phản kháng và nói: Đừng sử dụng nó. Hãy để nó trong kho dự trữ. Quan điểm ấy là rào cản đối với kế hoạch kinh doanh của các hãng dược phẩm", William Schafffner, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Y khoa Vanderbilt, bình luận.

Nhiều hãng dược lớn tiếp tục bỏ nghiên cứu thuốc kháng sinh. Sanofi bán bộ phận nghiên cứu kháng sinh cho Evotec SE, một tập đoàn công nghệ sinh học ở Đức, hồi tháng 6. Novartis AG ngừng nghiên cứu kháng sinh trong năm 2018 và bán 3 loại thuốc kháng sinh đang trong giai đoạn thử nghiệm cho Boston Pharmaceuticals, một công ty khởi nghiệp. Allergan đã ngừng đầu tư cho bộ phận nghiên cứu kháng sinh trong một năm qua. Trong số 42 kháng sinh trong giai đoạn thử nghiệm trên người, chỉ 4 loại là sản phẩm từ 50 tập đoàn dược lớn nhất, theo dữ liệu của Quỹ từ thiện Pew.

"Khả năng sản xuất kháng sinh mới đang giảm dần. Những công ty công nghệ sinh học nhỏ, với đội ngũ nhân sự 50-100 người, không thể chờ một hoặc hai thập kỷ để thấy doanh số tăng", Kevin Outterson, một giáo sư luật của Đại học Boston và từng nghiên cứu những thất bại thị trường trong lĩnh vực thuốc kháng sinh, bình luận.

Chính phủ nên ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu kháng sinh mới

Giới chuyên gia y tế đang kêu gọi những ưu đãi mới để thưởng cho những doanh nghiệp đưa ra thị trường những thuốc kháng sinh có khả năng diệt những chủng vi khuẩn nhờn thuốc. Năm ngoái, Scott Gottlieb, cựu quan chức của Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gợi ý rằng chính phủ nên buộc các bệnh viện trả một khoản phí đăng ký đối với những thuốc kháng sinh mới quan trọng. Một số người khác đề xuất thưởng tiền mặt (có thể lên tới 1 tỷ USD) cho những doanh nghiệp phát triển thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt hiệu quả những chủng vi khuẩn kháng thuốc, hoặc tăng thời hạn bảo hộ sáng chế đối với những loại thuốc có lợi nhuận cao của doanh nghiệp.

Thị trường hắt hủi thuốc kháng sinh mới: Nỗi lo của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch thế kỉ - Ảnh 2.

Tập đoàn dược Novartis AG đã ngừng nghiên cứu kháng sinh mới từ năm 2018. Ảnh: Alamy

Merck, một trong số vài tập đoàn dược lớn vẫn đang nghiên cứu thuốc kháng sinh, ủng hộ những ưu đãi để bình ổn thị trường đối với những thuốc kháng sinh tối quan trọng.

"Những thuốc kháng sinh đó ra đời để con người dùng chúng ở mức thấp nhất có thể, nên những nhà sản xuất không thể có lãi. Nếu chúng ta có những ưu đãi để các hãng dược có chút lợi nhuận, thực trạng nghiên cứu thuốc kháng sinh sẽ sáng sủa hơn", Joan Butterton, một bác sĩ chỉ đạo nghiên cứu kháng sinh của tập đoàn Merck, phát biểu.

Hiện tại, các hãng dược đang tự vận động bán thuốc kháng sinh. John Johnson, giám đốc điều hành công ty thuốc kháng sinh Melinta Therapeutics, nhấn mạnh rằng trong nhiều năm qua, đưa thuốc kháng sinh mới vào danh sách thuốc của các bệnh viện trở nên khó hơn sau từng năm. Nhiều bệnh viện quy định họ chỉ đưa thuốc mới vào danh sách nếu hội đồng chuyên môn đồng ý, và sau đó thuốc mới phải được tích hợp vào hệ thống đặt thuốc trên máy tính.

"Quy trình như thế có thể kéo dài tới một năm hoặc lâu hơn. Trong khoảng thời gian ấy, công ty dược phải chi rất nhiều tiền để tung thuốc ra thị trường.

Giá cổ phiếu Melinta Therapeutics giảm tới 94% từ đầu năm 2018 trong bối cảnh doanh số của các nhà bán lẻ kháng sinh nhỏ lao dốc. "Thị trường thuốc kháng sinh đang ở ngã ba đường và đang vật lộn để phát triển", ông Johnson thừa nhận.

Hãng dược Achaogen đã nỗ lực rất nhiều. Trong vài năm qua, hãng đã nhận các khoản trợ cấp trị giá 250 triệu USD cùng nhiều hợp đồng của chính phủ liên bang để chống đại dịch nhờn kháng sinh cùng nhiều nguy cơ sinh học khác. Achaogen niêm yết cổ phiếu vào năm 2014 rồi khởi động thử nghiệm thuốc kháng sinh Zemdri để chứng minh nó hiệu quả hơn nhiều so với một loại thuốc gốc có tuổi đời vài thập kỷ trong điều trị nhiễm trùng mạch máu do vi khuẩn CRE gây nên. Hồi tháng 6/2018, FDA đã công nhận Zendri điều trị hiệu quả nhiễm trùng đường tiểu, nhưng không phê chuẩn để nó điều trị nhiễm trùng đường máu do CRE. Hãng nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/4, và phiên đấu giá tài sản của hãng sẽ diễn ra vào tháng 6.

"Tôi thực sự cảm thấy bức xúc. Chúng tôi phát triển một loại thuốc quan trọng và trải qua mọi quy trình cần thiết để sản xuất thuốc, nhưng thực tế thị trường khiến chúng tôi không thể bán thuốc kháng sinh mới", ông Blake Wise, giám đốc điều hành Achaogen, tâm sự.

Nhạc Dương

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.