Bi hài muôn kiểu cư dân phản đối chủ đầu tư
Chủ đầu tư New City Thủ Thiêm ép khách hàng ký hợp đồng mua bán… 'trái luật'? |
Cư dân Horizon Tower thuộc Khu đô thị Ngoại giao đoàn mới đây đã căng băng rôn trên ôtô của từng hộ và chạy diễu trên các con phố sau nhiều tháng bất đồng với chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco). Cư dân cho rằng chủ đầu tư bàn giao nhà chậm, bàn giao khi chưa đủ điều kiện, sơn màu tòa nhà không đúng phối cảnh quảng cáo, chưa hoàn thiện các hạng mục trong tòa nhà, phí trông giữ xe... Chính quyền địa phương cũng đã đứng ra dàn xếp, song chủ đầu tư không hợp tác.
Ở một dự án khác cũng do Vinaenco là chủ đầu tư, khách hàng từng kéo nhau lên tận trụ sở của họ để đề nghị được đối thoại với lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi, phía chủ đầu tư chỉ cử đại diện phòng hành chính của công ty ra tiếp nhận ý kiến nên các băng rôn đã được căng ngay tại trụ sở công ty. Khách hàng cũng cùng nhau kéo vào tận phòng làm việc để gặp Chủ tịch HĐQT của công ty, song vị này "né" trong nhà vệ sinh để tránh việc gặp cư dân.
VnExpress đã liên lạc với một đại diện chủ đầu tư nhưng vị này từ chối trả lời về các nội dung khiếu nại của cư dân.
Băng rôn treo trên ban công căn hộ tại dự án Tân Tây Đô, Hoài Đức khi cư dân yêu cầu chủ đầu tư giải quyết vấn đề nước sạch. |
Tình trạng khách hàng lên tận trụ sở của chủ đầu tư để căng băng rôn cũng vừa xảy ra cách đây chưa đầy một tháng đối với chung cư Star City Lê Văn Lương. Các cư dân đến căng băng rôn ngay vào ngày diễn ra Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đòi trả lại quỹ bảo trì.
Đầu năm 2018, tại dự án trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, một số hộ dân ở Hà Nội khi bị chủ đầu tư cắt nước còn mang xô, chậu xuống sảnh tòa nhà để gội đầu, sinh hoạt cá nhân. Diễn biến này xảy ra sau khi cư dân và chủ đầu tư bất đồng về cách tính giá phí dịch vụ, đo diện tích căn hộ dẫn đến một số hộ không chịu đóng phí dịch vụ thời gian dài. Do đó, chủ đầu tư thông qua đơn vị quản lý tòa nhà cắt nước sinh hoạt của họ.
Bức xúc với việc làm đó, cùng với hành động căng băng rôn trên ôtô, sảnh tòa nhà hoặc ban công, khi bị cắt nước, một số cư dân đã mang xô, chậu xuống sảnh chính để gội đầu, sinh hoạt cá nhân. Để phản đối với mức phí gửi xe của chủ đầu tư thì có hộ đã cho cả xe máy vào thang máy để mang lên căn hộ.
Cách thức phản đối phổ biến nhất hiện nay vẫn là cư dân căng băng rôn ngay tại ban công. Trong khi đó, việc căng băng rôn này theo các chủ đầu tư là gây mất mỹ quan đô thị và vi phạm nội quy nhà chung cư. Vì vậy, một số chủ đầu tư từng gửi văn bản yêu cầu các hộ treo băng rôn phải gỡ xuống. Tuy nhiên, theo các cư dân, việc treo băng rôn nhằm mục đích kêu gọi chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết kiến nghị nên chúng chỉ được gỡ xuống khi hai bên tìm được tiếng nói chung.
Trước những diễn biến căng thẳng và trên diện rộng của tranh chấp chung cư, cuối năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải có báo cáo về tình trạng này. Trong báo cáo gửi Thủ tướng cách đây không lâu, Bộ Xây dựng cho biết có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, trong một báo cáo trước đó của TP HCM lại cho thấy, riêng tại địa bàn này đã có 105 dự án trên tổng số gần 1.000 tòa nhà chung cư đang xảy ra tranh chấp.
Xem thêm |