Điểm danh các chủ đầu tư dự án giao thông chậm quyết toán dự án
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị Vụ, Cục, Ban Quản lý dự án giao thông, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố... phê bình lãnh đạo các chủ đầu tư để tồn đọng các dự án đã hoàn thành trên 5 năm nhưng chưa trình quyết toán dứt điểm.
Theo rà soát của Bộ Giao thông Vận tải, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án bị phê bình gồm: Ban Quản lý dự án 2 (dự án cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 18); Ban Quản lý dự án Thăng Long (8 dự án gồm: Dự án ADB1 (ngân hàng Phát triển châu A) Khôi phục Quốc lộ 1 đoạn Tp. Hồ Chí Minh - Nha Trang, dự án WB1 (Ngân hàng Thế giới) đoạn Hà Nội - Vinh và Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Dự án ADB2 khôi phục Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn, dự án khôi phục Quốc lộ 1 đoạn Vinh - Đông Hà, Đông Hà - Quảng Ngãi, dự án cải tạo Quốc lộ 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang, Quốc lộ 1 đoạn Km1589+300-Km1642 và Km1692-Km1720+800, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 1).
Ban Quản lý dự án đường sắt có 4 dự án gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội giai đoạn I; dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh - Sài Gòn; dự án 9 cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh.
Ban Quản lý dự án Hàng hải (dự án nâng cấp luồng tàu vào cảng Quy Nhơn; Ban Quản lý các dự án Đường thủy (dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long, WB5); Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (dự án cải tạo nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32 - Nhổn; Sở Giao thông Vận tải Lào Cai (dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đoạn do Sở Giao thông Vận tải Lào Cai làm chủ đầu tư).
Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình (dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ cầu Đoan Vĩ đến Cửa Bắc và Cửa Nam đến Dốc Xây, Ninh Bình).
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (2 dự án gồm: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án phát triển hệ thống kiểm soát giao thông cho đường cao tốc tại Hà Nội, ITS); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (dự án đầu tư mua sắm đoàn tàu tốc hành).
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể và trình giá trị quyết toán dứt điểm trước 31/12/2022. Đối với các dự án BOT, BT, các Ban quản lý dự án tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp dự án hoàn tất các thủ tục theo các chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo theo đúng quy định.
Riêng đối với chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng, trong trường hợp các bên chưa thống nhất về điều khoản lãi vay trong hợp đồng, các Ban quản lý dự án phải kiểm tra.
Đối với các dự án vốn ngân sách Nhà nước, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải tập trung xử lý các dự án trọng điểm, có giá trị lớn còn tồn đọng (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; cầu Nhật Tân; cầu Cần Thơ...).
Trong trường hợp thiếu hồ sơ đến mức không đủ điều kiện quyết toán, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án làm việc với Kho bạc Nhà nước tất toán tài khoản như hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện về các giá trị này; hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung quyết toán các dự án hoàn thành, đảm bảo đủ nhân sự để xử lý các tồn đọng, bất cập theo thời hạn yêu cầu; xử lý các kiến nghị Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, khẩn trương báo cáo trong trường hợp có vấn đề vượt thẩm quyền để xử lý dứt điểm.