|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bị chỉ trích vì đặt cược lớn vào metaverse, Mark Zuckerberg loay hoay tìm cỗ máy kiếm tiền tiếp theo

07:16 | 28/11/2022
Chia sẻ
Bên trong Facebook, biến WhatsApp thành một công cụ kiếm tiền đang là một vấn đề khẩn cấp trong bối cảnh tăng trưởng chững lại và Mark Zuckerberg bị chỉ trích vì tham vọng lớn vào metaverse.

Facebook (nay là Meta) mua lại WhatsApp vào năm 2014 với giá 22 tỷ USD. Mặc dù WhatsApp có 400 triệu người dùng chỉ trong 5 năm, bỏ ra 22 tỷ USD để mua một ứng dụng nhắn tin miễn phí vẫn là một hành động gây bất ngờ của Facebook. Đến nay, WhatsApp vẫn là thương vụ thâu tóm giá trị nhất của Facebook song nó vẫn chưa bù đắp lại được số tiền đã đầu tư.

Trong quý gần nhất, tính năng nhắn tin trên các ứng dụng của Facebook mang về 218 triệu USD. Theo Insider, con số này chủ yếu đến từ tính năng nhắn tin trả phí trên WhatsApp. Trong khi đó, tổng doanh thu của Meta trong quý gần nhất lên tới gần 29 tỷ USD, phần lớn đến từ quảng cáo. Con số này thể hiện mức giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Meta ghi nhận doanh thu sụt giảm.

Trước tình hình này, Meta đang cảm thấy ám lực của viện hiện thực hoá các tiềm năng về tài chính mà WhatsApp có thể mang lại.

“Đây là thực sự là một thách thức lớn”, Matt Idema, người năm ngoái được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch phụ trách nhắn tin kinh doanh của Meta, nói với Insider. “Làm thế làm bạn có thể xây dựng được mô hình kinh doanh dựa trên sản phẩm nhắn tin hiện hũu?”

(Ảnh: Getty). 

Câu trả lời hiện tại của Idema cho câu hỏi trên là xây dựng một chiến lược “nhắn tin doanh nghiệp” nơi các công ty có thể dùng WhatsApp để trò chuyện, quảng cáo hoặc phục vụ khách hàng. Ông khẳng định việc quan sát thấy ngày càng có nhiều người tương tác với các công ty qua WhatsApp khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến ông nhận ra tiềm năng kiếm tiền từ mô hình kinh doanh này.

Mảng kinh doanh lớn nhất của WhatsApp ở thời điểm hiện tại là các nhà quảng cáo trả tiền để gửi đến người dùng các tin nhắn khuyến khích nhắn tin qua WhatsApp. Đây vẫn là quảng cáo nhưng không giống hình thức quảng cáo mà WhatApp đã thử nghiệm cách đây vài năm và từ bỏ sau đó.

Vật vã tìm cách kiếm tiền

Facebook đã tìm cách kiếm tiền từ WhatsApp kể từ khi mua lại, theo các cựu nhân sự thân cận với vấn đề. Một người nói thêm rằng Facebook mới đây đang tái khởi động mạnh mẽ tham vọng này và nó trở thành vấn đề “khẩn cấp” để tìm kiếm tăng trưởng doanh thu.

“Giờ thì đã quá muộn”, một người nói và khẳng định lẽ ra WhatsApp nên tích hợp các tính năng thanh toán vài năm trước đó. “Lẽ ra WhatsApp đã có thể kiếm tiền”.

Ông Idema không phủ nhận WhatsApp đã tốn quá nhiều thời gian để trở thành một phần quan trọng hơn trong bức tranh tài chính của công ty. Ông nói rằng việc xây dựng mô hình kinh doanh cho WhatsApp đã trở thành “việc chúng tôi phải làm”.

Matt Idema, phó chủ tịch phụ trách nhắn tin kinh doanh của Meta. (Ảnh: Meta). 

Ông Idema gia nhập Facebook từ Yahoo vào năm 2011. Ban đầu, ông phụ trách mô hình kinh doanh quảng cáo còn non trẻ của Facebook và các sản phẩm kinh doanh khác. Ông làm việc thân cận với bà Sheryl Sandberg, người từng là giám đốc vận hành của Meta.

“Chúng tôi đã rất tập trung, mọi thứ đều hiệu quả và tuyệt vời”, Idema nhớ lại những năm đầu ở Facebook. “Không ai ghét chúng tôi cả”.

Cho tới tháng 4/2017, Idema được bổ nhiệm là giám đốc vận hành của WhatsApp. “Thời điểm đó, WhatsApp là một nền tảng phục vụ 1 tỷ người dùng nhưng chưa nghĩ đến mô hình kinh doanh”, ông nói.

Một năm sau khi ông Idemi gia nhập WhatsApp, Brian Acton và Jan Koum, 2 người đồng sáng lập của WhatsApp, lần lượt rời WhatsApp. Họ không đồng ý với cách WhatsApp nên kiếm tiền và với các động thái đánh đổi riêng tư người dùng lấy doanh thu của công ty mẹ Facebook.

“Gần như quảng cáo”

Idema nói rằng công ty này ban đầu “thực hiện một vài thử nghiệm” sử dụng WhatsApp trong cỗ máy quảng cáo số khổng lồ của Facebook. Vào thời điểm năm 2020, Facebook từ bỏ nỗ lực này. Quảng cáo là thứ là Acton và Koum không bao giờ muốn WhatsApp trở thành. Từ lâu, WhatsApp hứa hẹn với người dùng rằng nó sẽ không bao giờ quảng cáo và sẽ như vậy dù về tay Facebook.

Vì thế, thay vì quảng cáo truyền thống, WhatsApp khai thác hành vi người dùng trong ứng dụng, ví dụ như các công ty nhỏ ở các thị trường quốc tế nhắn tin với khách hàng, thực hiện đơn hàng và vận hành kinh doanh qua WhatsApp. Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Mexico là những thị trường lớn nhất của ứng dụng này.

Ông Idema cũng muốn phát triển khả năng bán các phần mềm dịch vụ khách hàng và các API của WhatsApp. Ông nói rằng 50 triệu doanh nghiệp đang sử dụng phiên bản API miễn phí của WhatsApp tính đến thời điểm năm 2019 và đại dịch đã khiến việc dùng các API này phát triển mạnh. Dù vậy, ông từ chối chia sẻ số lượng doanh nghiệp đang dùng nó ở thời điểm hiện tại.

WhatsApp đặt mục tiêu thu hút các khách hàng doanh nghiệp lớn hơn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, sẵn sàng trả tiền cho các tính năng doanh nghiệp và dùng nó phục vụ khách hàng.

Một câu chuyện thành công mà Idema nhắc đến là GM. Từ năm ngoái, GM dùng WhatsApp cho một chiến dịch ở Brazil. Công ty sản xuất ô tô này dùng quảng cáo “nhấn vào để nhấn tin” trên Facebook và Instagram để điều hướng các khách hàng tiềm năng nhắn tin với các đại lý xe qua WhatsApp. GM bán được 3.000 xe/tháng và giao dịch được thực hiện hoàn toàn trên WhatsApp, ông Idema nói.

“Đã đến lúc kết hợp WhatsApp, Facebook Messenger và Instagram Messenger và coi chúng như một chiến lược nhắn tin duy nhất”, ông Idema nói thêm.

Người đứng đầu mảng nhắn tin của Meta khẳng định hơn 1 tỷ người nhắn các tin nhắn liên quan đến kinh doanh trên Facebook mỗi tuần và “có nhiều tăng trưởng để theo đuổi”. Ông không chia sẻ cụ thể về mục tiêu tăng trưởng song khẳng định rằng trong 3 năm tới WhatsApp sẽ “có nhiều tính năng hơn hiện tại rất nhiều”.

Có một điều có thể khẳng định là Meta đang công khai thể hiện sự quan tâm và dành nguồn lực cho WhatsApp. Hồi tháng 5, nó tổ chức hội thảo đầu tiên dành riêng cho mảng nhắn tin. Zuckerberg chia sẻ tại sự kiện này đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp dùng WhatsApp API.

Các tính năng mới có thể sẽ biến WhatsApp thành một siêu ứng dụng nơi người dùng có thể giao tiếp, mua sắm, đặt hàng và thanh toán.

WeChat là một mô hình tự nhiên cho bất kỳ một tham vọng siêu ứng dung này. Thuộc về Tencent và bắt đầu hoạt động vào năm 2011, WeChat cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc.

“Có nhiều thứ để chúng tôi học hỏi về những gì WeChat có thể làm được”, ông Idema nói. Dù vậy, ông Ajit Varma, giám đốc sản phẩm WhatsApp, nói với Insider rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của WhatsApp lúc này là làm cách nào có thể tăng quy mô nhanh hơn.

Nam Khánh