|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công ca nhiễm nCoV thế nào?

07:10 | 31/01/2020
Chia sẻ
BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), sau 5 ngày điều trị, người con đã khỏi bệnh dù không có thuốc đặc trị.
Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị thành công ca nhiễm nCoV thế nào? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn (giữa) chỉ đạo BV Chợ Rẫy điều trị cho 2 bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm vi rút nCoV ngay dịp sát tết. Ảnh: CTV

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết 2 bệnh nhân (BN) là cha con người Trung Quốc (người cha tên Li Ding, 66 tuổi; người con Li ZiChao, 28 tuổi) nhập viện đã có những triệu chứng của viêm đường hô hấp và sau đó xét nghiệm xác định hai người này nhiễm chủng vi rút Corona mới (nCoV). 

Sau 5 ngày điều trị, người con đã khỏi bệnh dù không có thuốc đặc trị.

Vậy BV Chợ Rẫy đã điều trị theo phác đồ nào? Theo TS-BS Hùng, BV đã phối hợp điều trị bằng thuốc kháng vi rút, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác, như: hạ đường huyết, hạ huyết áp… 

Sau đó, dựa theo tình hình lâm sàng và kết quả xét nghiệm mà các bác sĩ (BS) điều chỉnh các loại thuốc phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.

Do hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu để tiêu diệt nCoV, nên điều quan trọng nhất là điều chỉnh những rối loạn về hô hấp, huyết học, đường huyết, diệt vi khuẩn đồng nhiễm để BN có thời gian hồi phục bệnh. 

Với sự theo dõi sát sao, phát hiện sớm những biến chứng để điều chỉnh thuốc kịp thời mà hiện nay người con đã hoàn toàn hết sốt, hết các triệu chứng khác của bệnh trên 3 ngày; kết quả xét nghiệm PCR nCoV đã âm tính. 

Còn với người cha, kết quả PCR nCoV còn dương tính, song các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm nhiều, hết sốt hơn 24 giờ, tổn thương phổi đang được cải thiện.

“Trên thế giới chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu cho nCoV, tuy nhiên về bản chất đây cũng là một loại bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút dòng Corona gây ra. 

Phần lớn các ca bệnh nặng hay tử vong là do BN đến cơ sở y tế trễ và đặc biệt là bệnh xảy ra trên những BN có bệnh mãn tính (đái tháo đường, suy thận mãn, Lupus ban đỏ hệ thống…)”, TS-BS Hùng nói.

Lý giải vì sao người con khỏi bệnh sớm hơn cha, TS-BS Hùng cho biết thêm, ở những người khỏe mạnh, bệnh thường gia tăng mức độ nặng trong tuần thứ nhất nhưng sau đó có thể tự giới hạn cho tới khỏe mạnh lại hoàn toàn trong tuần thứ hai (bệnh cúm mùa là một ví dụ điển hình cho hiện tượng bệnh có khả năng tự khỏi).

Thứ hai, đối với những đối tượng đặc biệt, như: trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính trước đó, tình trạng nặng của bệnh tiến triển rất nhanh với tổn thương phổi nặng nề. 

Nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp từ sớm thì bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do suy hô hấp. 

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi người con trai cải thiện triệu chứng bệnh và xét nghiệm PCR nCoV trở về âm tính nhanh hơn người cha.

“Hiện nay đã có bằng chứng rõ ràng rằng viêm đường hô hấp cấp do nCoV có thể lây trực tiếp từ người sang người. Do vậy, việc cách ly người bệnh hay người nghi ngờ bị nhiễm bệnh là bắt buộc. 

Đây là hình thái cách ly tuyệt đối với quy trình cách ly, xử lý rác thải rất nghiêm ngặt, phức tạp. Người tiếp xúc với BN cần phải mang bộ đồ bảo vệ đặc biệt để tránh lây lan”, TS-BS Hùng nói.

Với thành tích đạt được ban đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và quyết định tặng bằng khen cho BV Chợ Rẫy, các bác sĩ đã tham gia trong công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị cho hai BN là hai cha con người Trung Quốc bị viêm phổi do nhiễm nCoV.

Thủ tướng cũng yêu cầu BV Chợ Rẫy và Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị và quy trình; đồng thời phổ biến, hướng dẫn các BV khác nhằm bảo đảm sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch; hạn chế thấp nhất tử vong.

Duy Tính