|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bên trong thủ phủ vàng số một Trung Quốc, niềm đam mê mãi bất diệt

07:00 | 04/11/2024
Chia sẻ
Từng là một làng chài, Shuibei bây giờ đã trở thành tâm điểm cơn khát vàng của người dân Trung Quốc.

Thủ phủ vàng Shuibei

Trong một trung tâm thương mại rộng lớn tại Trung Quốc, khách hàng đang chen chúc nhau giữa những tủ kính lấp lánh dưới ánh đèn. Không gian tràn ngập sự phấn khích khi người mua sắm nhìn xuống những chiếc vòng tay, vòng cổ, nhẫn và trang sức được chế tác tinh xảo khác.

Địa điểm được nhắc đến chính là thủ phủ vàng Shuibei tại thành phố Thâm Quyến. Từng là một làng chài, Shuibei giờ đã trở thành tâm điểm cơn khát vàng của người dân Trung Quốc. Tại đây tập trung hơn 10.000 doanh nghiệp buôn bán vàng và trang sức vàng.

Các mặt hàng được trưng bày trong tủ kính là kho lưu trữ giá trị ngày càng quan trọng của người tiêu dùng Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh và lĩnh vực bất động sản của nước này lao dốc.

Đối với người dân địa phương, vàng là một tài sản trú ẩn an toàn. Vì lẽ đó, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia tiêu thụ vàng trang sức hàng đầu thế giới vào năm ngoái và là động lực thúc đẩy đợt tăng giá kỷ lục trên toàn cầu trong năm nay.

Gần đây, do căng thẳng địa chính trị leo thang, xung đột tại Trung Đông nóng lên và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất, giá vàng thế giới đã phá mốc 2.700 USD/ounce.

Dạo quanh Shuibei, Bloomberg đã nhìn thấy niềm đam mê không ngừng nghỉ của người dân Trung Quốc đối với vàng, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn và giá cao kỷ lục gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong những tháng gần đây.

Người dân Trung Quốc có thói quen tặng vàng cho bạn bè và người thân, cầu chúc may mắn. Các cặp đôi mua sắm nhẫn cưới, người lớn tuổi tìm kiếm món quà gia truyền và người trẻ săn lùng những món phụ kiện thời trang cao cấp.

Khách hàng lựa trang sức vàng tại khu chợ vàng Shuibei. (Ảnh: Getty Images).

Niềm đam mê bất diệt

Bà Laura Ye, chủ một cửa hàng trang sức trong khu vực, cho biết hoạt động kinh doanh năm nay ì ạch hơn năm ngoái. Bà chia sẻ: “Trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống, mọi lĩnh vực đều sẽ cảm nhận dư chấn”.

Tuy nhiên, bà Ye cho biết ngay cả khi giá tăng cao, “mọi người vẫn đô xô đi mua vàng”. Đường tắc liên tục và thậm chí tìm kiếm chỗ đậu cho xe đạp diện cũng có thể là một công việc gian nan.

Hai người bạn ngoài tuổi đôi mươi Dai và Wei dường như không hề nao núng khi giá vàng tăng nóng và nền kinh tế trở nên ảm đạm.

Chia sẻ với Bloomberg, Dai cho biết bản thân “đột nhiên nhận ra” sức hấp dẫn của vàng cách đây khoảng hai năm khi cô chú ý đến đà tăng giá của kim loại quý này. “Tôi đã mua vàng ba lần trong năm nay”, cô nói.

Dai thường mua những món trang sức nhỏ vì chúng có mức giá phù hợp với mức lương hàng tháng tầm 7.000 nhân dân tệ (tương đương 980 USD) của cô.

Theo chính quyền địa phương, mỗi năm Shuibei bán hơn 100 tỷ nhân dân tệ vàng trang sức. Đây cũng là trung tâm sản xuất và chế biến trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, chiếm khoảng 70% sản lượng.

Điểm hấp dẫn của Shuibei là giá cả cạnh tranh. Các món trang sức thường làm nhái những thương hiệu uy tín như Van Cleef & Arpels. Trang sức tại đây được bán theo công thức đơn giản là giá vàng cộng phí chế tác khoảng 10 nhân dân tệ cho 1g.

Một điểm thu hút chính khác của Shuibei là sự đa dạng của các mặt hàng được bày bán. Đối với các du khách, ghé thăm hết khu chợ vàng này không phải chuyện dễ dàng.

Shuibei là trung tâm sản xuất và chế biến vàng trang sức lớn nhất Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Vàng sắp mất sức hút với người Trung Quốc?

Trong suốt một năm qua, mức giá trên sàn giao dịch vàng Thượng Hải thường cao hơn giá chuẩn thế giới tại New York khoảng 20 USD/ounce.

Song, trong những tháng gần đây, mức chênh lệch đó đã đi xuống. Theo Hội đồng Vàng Trung Quốc, lượng tiêu thụ đồ trang sức vàng đã giảm 29% xuống còn 130 tấn trong quý III.

Ông Ray Jia, người phụ trách nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Hội đồng Vàng Thế giới, dự đoán các gói kích thích kinh tế mà Bắc Kinh công bố vào cuối tháng 9 sẽ một lần nữa thúc đẩy nhu cầu vàng.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nhu cầu đối với vàng đầu tư “có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các tài sản khác khi nền kinh tế phục hồi, bao gồm cổ phiếu và bất động sản”.

Các nhà phân tích khác cho biết triển vọng của vàng tại đất nước tỷ dân vẫn mạnh mẽ vì kim loại quý này là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng.

Ông Song Jiangshen, một nhà nghiên cứu tại Guangdong Southern Gold Market Academy, lưu ý người tiêu dùng thường trì hoãn hoặc giảm mua vàng khi giá tăng mạnh.

“Tuy nhiên, điều này sẽ không làm thay đổi những động lực cơ bản của hoạt động tiêu thụ vàng tại Trung Quốc”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đó cũng là quan điểm của nhiều du khác đến Shuibei.

“Nếu tôi có mua bất cứ món gì thì đó sẽ là vàng”, chủ khách sạn Luo Jiejing chia sẻ khi ông đứng bên ngoài khu chợ. “Vàng đã tồn tại hàng nghìn năm và vẫn giữ nguyên giá trị. Đó là sự lựa chọn hợp lý”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân