Bên trong chuyến bay đón 129 bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ Guinea xích đạo về nước
Theo đưa tin từ VOV, chuyến bay đón các công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo dự kiến sẽ kéo dài 12 tiếng từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến sân bay quốc tế TP Bata của Guinea Xích đạo, sau đó dừng khoảng 3 tiếng để đón công dân rồi quay trở về Nội Bài. Dự kiến trưa ngày 29/7 sẽ về đến Việt Nam.
Chuyến bay rất "đặc biệt" bởi trong 219 công dân Việt Nam được đưa về, có tới 129 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Trên chuyến bay bao gồm các phi hành đoàn cùng với 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - bác sĩ tham gia chuyến bay này, cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, mọi trang thiết bị để sẵn sàng đi đón bệnh nhân.
Chia sẻ trên VietnamPlus, Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phân tích chuyến bay lần này là chuyến bay chưa từng có trong tiền lệ với nhiều nguy cơ rất cao vì tỉ lệ bệnh nhân dương tính rất lớn, chiếm đến hơn 50% số người có mặt trên máy bay.
Để thực hiện chuyến bay này, từ trước đó nhiều tuần, công tác chuẩn bị đã được các chuyên gia về y tế tính toán kỹ lưỡng tới từng tình huống để làm sao đảm bảo an toàn cao nhất cho tất cả công nhân và phi hành đoàn, bác sỹ, nhân viên y tế.
Ban lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Tổ công tác cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị rất kĩ, có những phương án, kịch bản để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế và phi hành đoàn.
Cụ thể, máy bay sẽ được trang bị 4 buồng áp lực dương, buồng được tạo ra để đảm bảo an toàn tối đa cho tổ bay, đảm bảo mầm bệnh từ bên ngoài không thâm nhập được vào bên trong, từ đó tạo ra một không gian an toàn.
Bác sĩ Hùng chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ bản thân bác sĩ và đồng nghiệp đều cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân dương tính cao, với 129/219 ca, trong đó có khoảng 7 - 10 ca có biểu hiện nặng, điều này cũng khiến ê kíp không khỏi lo lắng. Bên cạnh đó "trước nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi cũng vô cùng lo lắng".
Xác định nguy cơ bệnh nhân có thể diễn biến nặng rất cao, vì thế, ngoài những trang thiết bị, vật tư y thiết yếu, bệnh viện đã trang bị hai máy thở, hai máy khí dung kèm theo những máy monitor, bộ đặt ống nội khí quản phòng trường hợp bệnh nhân có diễn biến thì sẽ tiến hành cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Hùng cũng chia sẻ thêm, vì thời gian bay khoảng 24 tiếng nên các bác sĩ đã xác định đóng bỉm để hạn chế các khả năng lây nhiễm. Sau chuyến này, những người trên chuyến bay cũng sẽ phải cách li ít nhất 14 ngày trước khi trở lại cộng đồng.
Được biết, 219 công dân làm việc cho các công ty Việt Nam tại Guinea Xích Đạo chủ yếu là nam giới, tương đối trẻ, độ tuổi cao nhất là 50 - 52 tuổi.
Theo VietnamPlus, dự kiến 129 người nhiễm COVID-19 sẽ được điều trị cách li tại cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) với 400- 500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm.
Toàn bộ phi hành đoàn và công nhân trở về từ chuyến bay sẽ được cách li, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Đây là lần tiếp nhận bệnh nhân và người cách li lớn nhất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nên mọi công tác chuẩn bị đã được bệnh viện thực hiện từ nhiều ngày nay. Bệnh viện đã huy động khoảng 170 bác sĩ, nhân viên y tế cho "cuộc chiến" lần này.
Dưới đây là một số hình ảnh bố trí khu vực trang thiết bị trên chuyến bay: