|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bê bối Toyota đe dọa hoạt động kinh doanh 420 nhà cung cấp và 30.000 đại lý

17:29 | 21/12/2023
Chia sẻ
Giám đốc điều hành của một nhà sản xuất linh kiện cho biết doanh thu hàng tháng lên tới 700.000 USD khi làm với Daihatsu "sẽ không còn nữa".

Bê bối của nhà sản xuất ô tô Daihatsu - một công ty con của Toyota Motor đang trở thành tâm điểm của thị trường xe hơi.

Theo Nikkei Asia, việc hãng này phải ngừng phân phối xe cũng sẽ gây tổn hại cho các nhà cung cấp và đại lý. Trong trường hợp tình trạng này kéo dài, công ty còn có thể mất khách hàng.

Tổng số nhà cung cấp phụ tùng trực tiếp cho Daihatsu là 423. Trong đó, 47 công ty thực hiện hơn 10% hoạt động kinh doanh với Daihatsu và 34 công ty trong nhóm này là các công ty vừa và nhỏ.

Chủ tịch của một nhà cung cấp có trụ sở tại khu vực Kanto cho biết: "Điều này có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của công ty và chúng tôi phải hành động ngay lập tức".

Ông nói thêm: “Doanh thu hàng tháng của chúng tôi cho Daihatsu là khoảng 100 triệu yên (700.000 USD), việc giao hàng tạm ngưng đồng nghĩa với số tiền này cũng sẽ không có".

Việc Daihatsu Motor ngừng giao hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến các đại lý và nhà cung cấp. (Ảnh: Nikkei Asia).

Giám đốc điều hành của một nhà cung cấp khác cho biết nhu cầu chung về linh kiện ô tô sẽ không giảm. Nguyên nhân là bởi các nhà sản xuất ô tô khác sẽ chiếm thị phần của Daihatsu, trong khi xe của hãng thì không có sẵn.

"Chúng tôi sẽ chịu tác động ít nhất trong một hoặc hai tháng, chẳng hạn như gánh nặng chuyển đổi dây chuyền sản xuất tăng từ Daihatsu sang các nhà sản xuất ô tô khác", vị này cho biết.

Trong số các đại lý, Daihatsu có 58 nhà phân phối trực thuộc với 778 cửa hàng bán hàng trên toàn Nhật Bản tính đến tháng 4. Ngoài ra có khoảng 30.000 đại lý cũng nhập xe của Daihatsu từ các nhà phân phối này.

Một người quản lý tại đại lý Daihatsu ở khu vực Kansai cho biết: "Tác động của việc Daihatsu tạm dừng giao hàng là rất lớn vì hầu hết doanh số bán hàng của chúng tôi đều liên quan đến xe mới."

Người này cho biết cửa hàng sẽ tiếp tục bán những chiếc xe mới có sẵn trong kho cùng với một số chiếc đã qua sử dụng.

"Kỳ nghỉ lễ cuối năm và năm mới thường là thời điểm tốt nhất để kinh doanh'", người quản lý mong đợi hoạt động kinh doanh sẽ ổn định trở lại.

Trong khi đó, việc Daihatsu ngừng giao hàng có thể khiến người tiêu dùng chuyển hướng tới các thương hiệu khác. Số lượng xe Daihatsu đã nhận đặt hàng nhưng chưa giao cho khách hàng khoảng 60.000 chiếc. Trong số đó, 12.000 chiếc thậm chí còn chưa được chuyển đến các đại lý và Daihatsu không giao xe trừ khi khách hàng yêu cầu.

Ngoài những lo ngại về an toàn, nếu người tiêu dùng không xác định được ngày giao hàng, họ có thể hủy đơn hàng và chuyển sang các đối thủ cạnh tranh như Suzuki Motor.

Toyota đứng đầu về doanh số bán ô tô trong 11 tháng tại Nhật Bản, tiếp theo là Suzuki và Daihatsu. Trong số các loại xe mini hạng nhẹ phổ biến hay mẫu xe Kei, Daihatsu đứng đầu với thị phần 33%, tiếp theo là Suzuki với 31% và Honda Motor ở vị trí 18 %.

Thuỳ Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).