|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bất ngờ giá trị thương hiệu Việt Nam

11:28 | 08/11/2017
Chia sẻ
Thương hiệu Việt Nam được Brand Finance xếp hạng A+, tức thuộc nhóm các quốc gia có thương hiệu mạnh.
bat ngo gia tri thuong hieu viet nam
Nguồn ảnh: asiawebdirect.com

Trong một thế giới cạnh tranh gay gắt như hiện nay,các yếu tố vô hình như giá trị thương hiệu ngày càng được giới đầu tư xem trọng, bởi nó phản ánh uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Nhưng không chỉ dừng lại ở mức độ công ty, hiện thương hiệu của một quốc gia cũng là yếu tố quan trọng, giúp truyền tải thông điệp về chất lượng của hàng hóa - dịch vụ mà quốc gia đó sản xuất, đồng thời gián tiếp giúp cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh hiệu quả hơn. Vậy thương hiệu của Việt Nam trị giá bao nhiêu?

Bước tiến ấn tượng

Theo báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu về giá trị thương hiệu Brand Finance, hai chữ “Việt Nam” đang có giá trị khoảng 203 tỉ USD, tăng mạnh 43% so với kết quả đo được vào năm 2016, đồng thời lọt vào top 5 quốc gia chứng kiến tốc độ cải thiện thương hiệu ấn tượng nhất trong năm 2017.

Thương hiệu Việt Nam cũng được xếp hạng A+, tức thuộc nhóm các quốc gia có thương hiệu mạnh, chỉ đứng sau nhóm các quốc gia có thương hiệu “xuất sắc” và “rất mạnh”. Thương hiệu quốc gia được cải thiện phản ánh môi trường đầu tư ở Việt Nam đang hấp dẫn hơn mà thực tế đã chứng minh qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay lượng khách du lịch quốc tế tăng vọt trong hai năm gần đây.

“Việt Nam là một quốc gia sở hữu nhiều lao động có tay nghề cao. Thực tế, các công ty nước ngoài đua nhau xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam với kỳ vọng về một thị trường nội địa hấp dẫn cũng như chi phí lao động tương đối thấp”, bà Natasha Ansell, Giám đốc Điều hành của Citi Việt Nam, cho biết.

bat ngo gia tri thuong hieu viet nam

Công thức tính giá trị thương hiệu quốc gia khá phức tạp. Brand Finance khảo sát thực tế từ các nhà đầu tư để xây dựng nên chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI), áp vào đó tỉ lệ điều chỉnh (Royalty Rate) kết hợp với sử dụng quy mô của nền kinh tế trong 5 năm tới để tính toán dòng thu nhập đầu vào. Các dòng thu nhập này sẽ được chiết khấu với một tỉ lệ phù hợp để tính được giá trị hiện tại ròng và tổng lại cho ra giá trị cuối cùng.

Nhìn chung, bảng xếp hạng năm nay phản ánh phần nào sự dịch chuyển về vị thế cạnh tranh của hai lục địa Á - Âu. Trong khi Trung Quốc tiếp tục giữ được vị trí số 2 với giá trị 10.209 tỉ USD, Nhật giữ vững vị trí thứ 4 với giá trị 3.439 tỉ USD, thì một số nước châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam cũng ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ về giá trị thương hiệu. Ngược lại các quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Áo chứng kiến sự sụt giảm về giá trị thương hiệu hay chỉ tăng không đáng kể.

Câu chuyện ấn tượng nhất trong bảng xếp hạng năm 2017 có thể nói là về Trung Quốc. Giá trị thương hiệu quốc gia này tăng lớn nhất về con số tuyệt đối (hơn 3.100 tỉ USD). Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đến 50 trong tổng bảng xếp hạng 500 các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh nhất thế giới (Global 500), trong đó có 4 lĩnh vực dẫn đầu toàn cầu là ngân hàng (với thương hiệu ICBC), rượu (Moutai), bảo hiểm (PingAn) và bất động sản (Dailian Wanda).

Trong tương lai, có thể vị thế của Trung Quốc sẽ tăng thêm đáng kể khi tập đoàn hàng đầu như Alibaba ngày càng được thế giới biết đến.

Thành tựu đó có thể giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng thêm uy tín. Còn nhớ vào năm 2012, ông Tập đã nhận định rằng Trung Quốc phải nỗ lực chấm dứt cái mác chỉ là nơi gia công và cung cấp linh kiện cho các quốc gia phương Tây, mà phải xây dựng được các thương liệu riêng đẳng cấp thế giới. Trung Quốc đã thiết kế hẳn một chương trình, trong đó có thành lập cả Hội đồng Phát triển thương hiệu quốc gia để hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình.

Câu chuyện tương lai

Rõ ràng, một quốc gia có thương hiệu mạnh thì các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Do đó, khá nhiều quốc gia nỗ lực tìm nhiều cách để nâng cao giá trị tài sản vô hình này, điển hình như Trung Quốc, Nhật, hay Hàn Quốc. Ở Đông Nam Á, Singapore có thể xem là quốc gia dẫn đầu về chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Hiện quốc đảo này là quốc gia duy nhất trên thế giới có chỉ số BSI lớn hơn 90, theo khảo sát và tính toán của Brand Finance.

Không có nguồn tài nguyên dồi dào, Singapore buộc phải thực hiện chiến lược đầu tư vào con người thông qua chương trình The Skills Future, trong đó cứ mỗi người dân Singapore từ 25 tuổi trở lên sẽ được nhận 500 đô la Singapore để tham gia vào các chương trình huấn luyện nghề nghiệp. Năm 2016, có hơn 400.000 người đã tham gia chương trình này. The Skills Future được kỳ vọng trang bị cho công dân Singapore các kỹ năng cần thiết để củng cố lợi thế cạnh tranh về nghề nghiệp trong các năm tới.

Hãy quay trở lại với câu chuyện của Việt Nam. Mặc dù thương hiệu quốc gia cải thiện rất tốt nhưng xét về giá trị tuyệt đối, Việt Nam mới chỉ đứng vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Indonesia (845 tỉ USD), Malaysia (489 tỉ USD), Thái Lan (483 tỉ USD), Philippines (466 tỉ USD) và Singapore (464 tỉ USD). Rút ngắn khoảng cách với các đối thủ này sẽ không là nhiệm vụ dễ dàng.

Điều lạc quan là nhìn thấy được điểm yếu này, Chính phủ đã kết hợp với các hãng tư vấn như Brand Finance để thiết kế chương trình xây dựng thương hiệu cho quốc gia mang tên Vietnam Value, bước đầu nhận được sụ quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư trong và ngoài nước. “Với chương trình Vietnam Value, Việt Nam được đánh giá có những bước tiến nhất định trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu”, ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance, chia sẻ.

Ngọc Sơn

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.