|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất động sản ngóng dòng vốn mới

11:40 | 07/04/2020
Chia sẻ
Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn, thị trường BĐS liên tiếp đón nhận các tin vui nhờ các chính sách kích cầu kinh tế như lọt nhóm được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay,…

Tê liệt cả cung lẫn cầu

Theo đánh giá của một số đơn vị nghiên cứu, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam những tháng đầu năm 2020 chứng kiến hiện tượng ngủ đông của hầu hết các hoạt động do chịu tác động kép bởi thủ tục phê duyệt dự án kéo dài và đại dịch COVID-19.

Thị trường BĐS trong cơn nguy khó: Nhiều tín hiệu tích cho giai đoạn nửa cuối năm - Ảnh 1.

Thị trường BĐS quí I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kì hàng năm. (Ảnh: Zing News)

Dữ liệu từ JLL cho biết, Hà Nội chỉ có 4.600 căn hộ mở bán trong ba tháng đầu năm, bằng 65% nguồn cung quí trước và là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2015. Lượng bán đạt 3.520 căn trong quí, thấp hơn 49,1% so với quí trước do nguồn cung mới hạn chế.

Thị trường ghi nhận duy nhất một dự án mới thuộc phân khúc cao cấp tại Quận Nam Từ Liêm với qui mô 740 căn.

Tương tự, tại thị trường TP HCM, số liệu từ JLL cho thấy, phân khúc chung cư cũng có nguồn cung vô cùng hạn chế, chỉ có 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với số liệu quí cuối năm 2019 và quí I/2019. Nguồn cung trong quí I chỉ bằng khoảng 54% tổng lượng hàng sẵn có trên thị trường trong quý, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng nhận định, thị trường BĐS quí I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kì hàng năm. Lượng cung, giao dịch và tỉ lệ hấp thụ đều ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Trong khi đó, các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án BĐS chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại các địa phương khiến nguồn cung BĐS tiếp tục khan hiếm trên thị trường.

Đáng lưu ý, Thông tư 22 của NHNN có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án BĐS cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án BĐS,...

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới đây đã dẫn số liệu cập nhật cho thấy, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS hiện đã được kiểm soát ở mức hợp lí, khi chiếm 32,12% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS, tăng 8,11% so với cuối năm 2018. Tín dụng phục vụ tiêu dùng BĐS chiếm 67,88% dư nợ cho vay lĩnh vực này, tăng 25,69% so với cuối năm 2018.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS bị siết chặt thời gian qua đã buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu.

Song, trên thực tế, làn sóng phát hành trái phiếu thời gian vừa qua theo nhiều nhà quan sát cho rằng, đó phần lớn chỉ là hoạt động tái cấu trúc nợ của các NH với các doanh nghiệp BĐS. Dịch COVID-19 ập đến, hoạt động phát hành trái phiếu cũng đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Ngóng dòng tiền từ chính sách

Trước nhiều khó khăn về vốn và pháp lí, thị trường BĐS vừa đón nhận nhiều thông tin tích cực từ chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh trong đó có cả lĩnh vực kinh doanh bất động sản, kì vọng sẽ làm ấm lại thị trường trong nửa cuối năm 2020. 

Mới đây, NHNN đã có động thái cắt giảm lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất huy động. Đặc biệt, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN qui định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh.

Cũng trong thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay cho các khách hàng, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đơn cử, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm

Ngày 3/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã kí công văn số 3915 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung 4 đối tượng (trong đó có hoạt động kinh doanh BĐS) được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỉ đồng.

Động thái trên được cho là cần thiết đối với các doanh nghiệ BĐS trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bộ cũng bổ sung thêm một số nhóm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo qui định của NHNN Việt Nam và giao NHNN Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng vào danh sách gia hạn.

Thêm vào đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng vừa đề xuất Chính phủ triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án kinh doanh BĐS cũng như các dự án đầu tư đang gặp vướng mắc về đất đai.

Bộ TN&MT kiến nghị, phần đất nằm xen kẽ với phần diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất và không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì UBND cấp tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư.

Với dư địa nguồn vốn dành cho đầu tư công lớn, thị trường cũng được kì vọng sẽ khởi sắc hơn khi những dự án hạ tầng nhanh chóng được hoàn thiện thủ tục sau những chỉ đạo liên tục của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được thông qua trong tháng 2 và dự kiến sẽ được phê chuẩn vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ là cú hích đối với thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam.

Nhiều tổ chức dự báo, BĐS công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch địa bàn sản xuất của các tập đoàn quốc tế, kéo theo đó là sự đầu tư về hạ tầng và nhu cầu về nhà ở cho các chuyên gia.

Hà Lê