Bất chấp thuế quan, đậu nành Mỹ vẫn được nhập khẩu vào Trung Quốc
Cơ hội thu mua đậu nành Mỹ giá rẻ nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung |
Đậu nành đã trở thành nạn nhân chính của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế. Trung Quốc áp thuế trả đũa 25% lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, khiến người mua từ quốc gia châu Á phải chạy sang Brazil để tìm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, dù quốc gia Nam Mỹ này là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, họ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc.
Nguồn cung từ Brazil sẽ bắt đầu thắt chặt vào tháng 10, sau nhiều tháng ghi nhận xuất khẩu cao chưa từng thấy. Đó cũng vừa đúng thời điểm thu hoạch chính vụ tại Mỹ. Vì không có quốc gia sản xuất nào xuất khẩu đủ lượng để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, nền kinh tế này buộc phải thu mua từ Mỹ hoặc chịu đựng nguồn cung thiếu hụt.
“Chúng ta sẽ thấy nhiều thương vụ hơn được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Mark Schultz, chuyên gia phân tích thị trường của Northstar Commodities tại Minneapolis cho biết.
“Nó có thể không bao giờ đạt tới mức chúng ta mong muốn, nhưng ít nhất còn tốt hơn là không có gì”, ông nói thêm.
Trung Quốc là người mua đậu nành lớn nhất thế giới và nghiền loại ngũ cốc này thành bột, được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và dầu nấu ăn.
Với cuộc chiến tranh thương mại thay đổi mô hình thu mua, giá đậu nành đã tăng tại Brazil, trong khi giá đậu nành giao tương lai lao dốc tại Mỹ. Mặc dù vậy, thuế quan được áp dụng nghĩa là đậu nành Brazil vẫn rẻ hơn nguồn cung từ Mỹ đối với người mua Trung Quốc, theo ông Paulo Sousa, Giám đốc ngũ cốc tại châu Mỹ Latin tại công ty Cargill.
Rất khó để đánh giá nhu cầu của Trung Quốc lớn đến đâu khi nói về giao dịch đậu nành. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự đoán nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc sẽ giảm xuống 95 triệu tấn trong năm mùa vụ 2017 – 2018, đợt giảm đầu tiên trong 15 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn chiếm khoảng 60% tổng khối lượng nhập khẩu toàn cầu.
Ảnh: Bloomberg. |
Xuất khẩu của Brazil trong mùa vụ 2017 – 2018 ước đạt 75 triệu tấn. Ngay cả khi Trung Quốc hấp thụ toàn bộ khối lượng đó, quốc gia này vẫn đối mặt với nhu cầu nhập khẩu 20 triệu tấn từ nơi khác.
Điều đó gần như là không thể nếu không thu mua từ Mỹ, dự kiến xuất khẩu 55,5 triệu tấn. Theo USDA, Argentian, dự báo sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất tiếp theo, ước tính chỉ cung cấp được 8 triệu tấn.
Đã có bằng chứng cho thấy Trung Quốc vẫn tiến hành mua đậu nành từ Mỹ. Một báo cáo từ USDA cho biết, tàu chở hàng khổng lồ Betis đã rời cảng xuất khẩu của tập đoàn Gavilon tại Kalama, Washington để đến Thượng Hải trong ngày 29/7, mang theo chuyến đậu nành Mỹ đầu tiên đến Trung Quốc trong 3 tuần.
Để đáp ứng nhu cầu, Trung Quốc có thể cần nhập khẩu ít nhất 10 triệu tấn đậu nành Mỹ, theo ông Jiang Boheng, chuyên gia phân tích tại Luzheng Futures nhận định.
Các chuyên gia phân tích khác còn đưa ra con số cao hơn. Như ông Pedro Dejneka, một đối tác của công ty MD Commodities có trụ sở tại Chicago, cho biết trừ khi Trung Quốc giảm mạnh nhu cầu nghiền đậu nành, nếu không quốc gia này có thể phải nhập khẩu ít nhất 15 triệu tấn từ Mỹ vào cuối năm 2018.