Bất chấp lượng xuất khẩu chững lại, giá cao su vẫn lên mức cao nhất trong nhiều tháng
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy xuất khẩu cao su trong tháng 4 bắt đầu chững lại sau nhiều tháng liên tục tăng mạnh. Cụ thể, lượng cao su xuất khẩu giảm 44,6% so với tháng 3 xuống còn hơn 62.000 tấn, kim ngạch cũng giảm 43,8% xuống 110 triệu USD.
Mặc dù xuất khẩu cao su trong tháng 4 chậm lại nhưng tính chung trong 4 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng gần 73% lên 468.000 tấn và kim ngạch tăng trưởng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái đạt 784,4 triệu USD.
4 tháng đầu năm 2021 | 4 tháng đầu năm 2020 | Tăng/giảm (%) | |
Lượng (nghìn tấn) | 468 | 271 | +73 |
Giá trị (nghìn USD) | 784.400 | 386.000 | +103,1 |
Giá TB (USD/tấn) | 1.676 | 1.424,3 | +17,7 |
Xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ. (Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)
Bởi trong ba tháng trước đó, lượng cao su xuất khẩu rất cao lần lượt đạt gần 190.000 tấn vào tháng 1, hơn 104.000 tấn vào tháng 2 và gần 112.000 tấn vào tháng 3. Các con số này tăng 108,5%, 75% và 77,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu cao su vẫn trên đà tăng trưởng bất chấp lượng sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 4/2021, giá xuất khẩu cao su trung bình đạt hơn 1.777 USD/tấn, tăng nhẹ 1,4% so với tháng trước đó nhưng tăng đến 40% so với tháng 4/2020.
Có thể thấy, lượng cao su xuất khẩu tháng 4/2021 chỉ đứng thứ hai kể từ đầu năm 2020 đến nay nhưng giá xuất khẩu trung bình lại đạt mức cao nhất trong suốt 16 tháng qua.
Nhờ đó, tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 110 triệu USD, tăng hơn 107,5% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt hơn 53 triệu USD.
Tại thị trường trong nước, giá mủ cao su cũng tiếp đà tăng. Cụ thể, giá mủ cao su thiên nhiên dạng nước tại Đồng Nai tháng 4/2021 tăng nhẹ, từ mức 9.500 đồng/kg lên 10.500 đồng/kg.
Giá mủ cao su ở Đông Nam Bộ được các thương lái thu mua giao động quanh mức 315 - 325 đồng/độ mủ. Giá mủ SVR trong nước từ Tết Nguyên đán đến nay không có biến động lớn.
Trong tháng 4/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 53,92% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 33.440 tấn, trị giá 55,75 triệu USD, giảm 54,2% về lượng và giảm hơn 54% về trị giá so với tháng 3/2021.
Tuy nhiên so với tháng 4/2020, con số này tăng 20% về lượng và tăng hơn 66% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.667 USD/tấn, tăng 0,1% so với tháng 3/2021 và tăng 38,5% so với tháng 4/2020.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 323.590 tấn cao su, trị giá 518,82 triệu USD, tăng 89,6% về lượng và tăng 119,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước tăng từ 63% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 69,1% vào 4 tháng đầu năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu cao su của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý và là thị trường truyền thống. Đồng thời giá cao su cũng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020
Ngoài ra, Ấn Độ, thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam, cũng là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên với diễn biến dịch COVID-19, khả năng xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng trưởng trở lại trong năm 2021 là khó xảy ra.
Còn theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) bên cạnh việc đóng cửa nhà máy do đại dịch và tình trạng thiếu chip, ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu còn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn cung cao su. Nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển.
Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.
Vì vậy, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn trung hạn từ năm 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần.