Giá trị xuất khẩu cao su của Thái Lan tăng gần 17%
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, ba tháng đầu năm 2021, Thái Lan xuất khẩu 1,3 triệu tấn cao su (mã HS: 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 64,77 tỷ Baht, tương đương 2,07 tỷ USD, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 50,6% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong ba tháng đầu năm 2021, đạt 661.220 tấn, trị giá 30,42 tỷ Baht, tương đương 974,51 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với ba tháng đầu năm 2020.
Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, trong ba tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 870.030 tấn cao su tự nhiên (mã HS 4001), trị giá 42,85 tỷ Baht, tương đương 1,37 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 34,36% tổng lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Thái Lan trong ba tháng đầu năm, đạt 298.940 tấn, trị giá 13,88 tỷ Baht, tương đương 444,58 triệu USD, giảm 0,9% về lượng, nhưng tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ tăng, trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ lại giảm.
Cũng trong ba tháng đầu năm 2021, Thái Lan xuất khẩu 390.660 tấn cao su tổng hợp (mã HS 4002), trị giá 19,26 tỷ Baht, tương đương 616,85 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và giảm 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 86,72% tổng lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan trong ba tháng đầu năm 2021, với 338.770 tấn, trị giá 15,79 tỷ Baht, tương đương 505,78 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm gần 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Malaysia, Indonesia và Việt Nam tăng.