Bất bình thường khi Vinachem xin tăng thuế
Vinachem 'còng lưng' trả nợ thay con, nợ xấu tăng mạnh lên 1.237 tỷ đồng |
Kinh doanh thua lỗ, yếu kém, Vinachem đề xuất tăng thuế GTGT với phân bón - đi ngược chủ trương giảm giá mặt hàng này cho bà con nông dân (Trong ảnh: Sản xuất phân đạm tại Nhà máy Đạm Ninh Bình - đơn vị thuộc Vinachem) |
Xin tăng thuế để xử lý thua lỗ, yếu kém
Mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kiến nghị sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) để tăng thuế đối với phân đạm nhập khẩu. Sở dĩ kiến nghị của Vinachem được dư luận quan tâm không chỉ bởi thị trường phân bón vốn đang có rất nhiều vấn đề mà còn vì Vinachem là DNNN nhưng hoạt động yếu kém, dẫn tới thua lỗ phải tái cơ cấu. Nếu được tăng thuế nhập khẩu phân đạm, giá bán của Vinachem sẽ cạnh tranh được với hàng nhập, giúp Vinachem cơ cấu các đơn vị yếu kém.
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn. Khi ban hành Luật số 71 (sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT), chúng ta đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế GTGT giúp bà con nhân dân mua phân bón giá hợp lý, phục vụ sản xuất. Về việc doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, theo ông Hùng, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế. Trên cơ sở đó mới kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, kiến nghị của Vinachem là của nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón nên cần rà soát kỹ. “Nếu việc tăng thuế này đem lại lợi ích cao hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nông thôn theo đúng định hướng công nghệ cao và công nghệ sạch, chúng ta cần xem xét đánh giá tác động để ủng hộ”, ông Tiến nói.
Cần kiên quyết chấm dứt xin - cho
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng, Vinachem hiện nay có 4 dự án đang khó khăn, thua lỗ. Việc cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp này phải theo đúng chỉ đạo là theo cơ chế thị trường và Nhà nước, ngân sách không bỏ vốn vào đây. “Theo thị trường có nghĩa, đầu tiên phải cắt giảm chi phí, đổi mới lại cách quản trị, những gì không hợp lý phải bỏ đi. Thứ hai, giá thành sản xuất phải có sức cạnh tranh bán được, nếu sản xuất ra không bán được thì phải dùng biện pháp khác mạnh hơn, chứ không chỉ giải pháp về thuế. Căn cơ nhất là phải xem xét lại mình, còn bao cấp không, cái gì đang trông chờ vào Nhà nước thì bỏ ngay, tập trung nhìn thẳng vào sự thật”, ông Tiến nói.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cũng cho rằng, cần xem xét cụ thể, cẩn thận bởi chúng ta hội nhập phải tuân thủ “luật chơi chung”, xin giảm thuế rất khó. Theo ông Hồ, doanh nghiệp phải tìm cách hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh chứ không phải bằng cách “xin” về thuế. Không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý cũng cần nghiêm khắc, nghiêm túc trong vấn đề này, dứt khoát chấm dứt xin - cho. Xin - cho thể hiện không bình đẳng, không minh bạch, sinh ra tiêu cực và tham nhũng.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa qua là kiên quyết thực hiện thị trường dân chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc giải quyết những yếu kém của DNNN và trong việc thực hiện cổ phần hóa. Các ngành, các bộ, cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp phải chấp hành. Không làm được, những người chịu trách nhiệm đứng sang một bên để cho người khác làm”, ông Hồ nói.
12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương giờ ra sao?
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, sau hơn 1 năm tổng kết lại, trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương, có 4 dự án bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, lỗ giảm (dự án phân đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP 2 của Lào Cai, Công ty Đóng tàu Dung Quất), 2 doanh nghiệp của Vinachem (Thép Lào Cai và DAP1) đã có lãi, còn lại 6 nhà máy vẫn thua lỗ. Trong đó, 3 dự án trước đây dừng hoạt động sản xuất đến nay bắt đầu khởi động lại, sản xuất thử, trong đó có dự án xơ sợi Đình Vũ. “Còn lại 3 dự án đang xây dựng dở dang, đang được tính toán lại, trong đó có những dự án thực hiện theo biện pháp quyết liệt, ví dụ như Nhà máy Giấy Phương Nam sẽ bán để thu hồi vốn, hay Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Gang thép Thái Nguyên tiến hành rà soát lại và tìm nhà đầu tư để mua”, ông Tiến nêu.
Cuối tháng tổ chức Hội nghị toàn quốc Thủ tướng với DNNN
Ngày 28/9 tới, Hội nghị toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với DNNN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị tập trung rà soát và đánh giá 2 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2020, xét về công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới DNNN; thấy được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đặc biệt những hạn chế để kịp thời khắc phục, đảm bảo hoàn thành công cuộc sắp xếp đổi mới DNNN mà Quốc hội, Đảng giao nhiệm vụ cho Chính phủ. Đồng thời, hơn một năm chúng ta thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII và triển khai theo Nghị quyết 60 của Quốc hội khi Quốc hội có chuyên đề về rà soát tình hình xây dựng pháp luật và thực hiện sắp xếp đổi mới DNNN và cổ phần hóa.