|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bảo vệ thương hiệu: Việc không phải của riêng ai

20:14 | 09/07/2017
Chia sẻ
Đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan quản lý không thể chủ quan và thờ ơ trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Chia sẻ về cách xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhiều doanh nghiệp đã mất rất nhiều chi phí, thời gian để xây dựng được thương hiệu ở trong nước.

Tuy nhiên, nhiều khi chỉ vì chủ quan, không chủ động trong việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp Việt đã phải ngậm ngùi nhìn thương hiệu của mình rơi vào tay kẻ khác tại thị trường quốc tế. Đơn cử như vụ thương hiệu Cà phê Buôn Mê Thuột, Hiệp hội Cà phê Việt Nam, UBND tỉnh Đăk Lăk đã bỏ ra rất nhiều chi phí, thời gian, công sức mới tìm lại được thương hiệu đã mất.

bao ve thuong hieu viec khong phai cua rieng ai
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu rất cần được coi trọng trong xu thế hội nhập. (Ảnh minh họa: KT)

“Có thời gian dư luận trong nước bàng hoàng khi nhận thông tin Cà phê Buôn Mê Thuột không phải là thương hiệu của doanh nghiệp Việt mà lại thuộc về một doanh nghiệp ở Quảng Đông, Trung Quốc. Điều này có nghĩa khi ở thị trường quốc tế, thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột không phải thuộc về bản quyền của Việt Nam mà là do người Trung Quốc sở hữu. Các doanh nghiệp cà phê muốn xuất khẩu cà phê Buôn Mê Thuột là hoàn toàn không thể”, ông Lâm lấy ví dụ.

Một trường hợp khác theo như ông Lâm cho biết, thương hiệu Vinataba là của một doanh nghiệp thuốc lá có tiếng tại Việt Nam. Doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu và sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Thế nhưng chỉ vì sơ suất không đăng ký thương hiệu tại thị trường quốc tế, nên khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thuốc lá ra nước ngoài mới biết thương hiệu Vinataba đã bị chặn đứng bởi một doanh nghiệp của Indonesia đã đăng ký nhãn hiệu Vinataba tại tất cả các nước trong ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc.

“Thuốc lá do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khi đó muốn bán ra nước ngoài đã không thể thực hiện được, chỉ vì không đăng ký bảo hộ thương hiệu. Đó là một thực tế đáng buồn chung đối với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác của Việt Nam như Cà phê Buôn Mê Thuột, Kẹo dừa Bến Tre hay Nước mắm Phú Quốc trong thời gian qua”, ông Lâm chỉ rõ.

Qua những câu chuyện về cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu, gìn giữ bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp mà ông Lâm kể trên đã minh chứng, dù đó không phải là những câu chuyện mới nhưng đó là một vấn đề luôn phải được các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý đặt ra và cần hết sức coi trọng.

Thực tế hiện nay, mặc dù có rất nhiều chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế hầu như rất ít sự việc được phanh phui, làm rõ bởi chính quyền địa phương, quản lý thị trường hay công an mà chủ yếu chỉ thấy Cục Sở hữu trí tuệ vào cuộc.

Sở dĩ có việc này không hẳn là do các doanh nghiệp không quan tâm, mà nhiều khi nhà quản lý cũng chưa thực sự chủ động. Một số doanh nghiệp còn cho rằng, khi nhờ các cơ quan quản lý can thiệp hành vi vi phạm thương hiệu, bản quyền họ thấy quá “gian nan”, cho nên nhiều khi họ phải tự mình tìm cách đi theo hướng của mình, vì đợi cơ quan chức năng vào cuộc có khi “xôi hỏng bỏng không”.

Trong khi để tạo dựng được một thương hiệu riêng không phải là điều đơn giản. Doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng được nó. Cho nên đã đến lúc các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan quản lý không thể chủ quan và thờ ơ trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Bởi vì, thương hiệu là của doanh nghiệp và cũng là tài sản của quốc gia, không thể vì những sơ suất hết sức giản đơn để đánh mất. May mắn có doanh nghiệp tìm lại được thương hiệu, có doanh nghiệp phải chịu mất trắng, hoặc “được vạ thì má đã sưng” nên phần lớn thiệt thòi vẫn thuộc về các doanh nghiệp.

Nguyễn Quỳnh