|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu năm 2022: Nhu cầu giảm, giá tiêu đi ngược kỳ vọng

08:00 | 29/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022 giá tiêu đi ngược với kỳ vọng khi liên tục đi xuống trong bối cảnh nhu cầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, sự mất giá của đồng nội tệ các nước so với đồng USD và chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc. Bức tranh thị trường được cho là vẫn ảm đạm khi hướng đến mùa vụ năm 2023.

Ngành tiêu vừa trải qua một năm nhiều biến động do nhu cầu bị ảnh hưởng bởi chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc, xung đột giữa Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát tăng cao tại nhiều nước và sự mất giá đồng tiền của các nước nhập khẩu so với USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 228.699 tấn, trị giá 970,6 triệu USD, giảm 12,4% (tương đương 32.269 tấn) về lượng nhưng tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Với kết quả này, ngành hồ tiêu vẫn chưa thể trở lại nhóm xuất khẩu tỷ đô.

Giá xuất khẩu hồ tiêu năm 2022 đạt bình quân 4.244 USD/tấn, tăng hơn 18% so với năm 2021. Tuy nhiên, đà tăng này phần lớn diễn ra trong 5 tháng đầu năm và giảm dần vào những tháng cuối năm. Tính đến tháng 12, giá tiêu xuất khẩu chỉ còn bình quân 3.644 USD/tấn, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2013 - 2022 (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Tại trong nước, sau khi tăng lên mức 82.500 – 85.000 đồng/kg vào tháng 2 giá tiêu đã liên tục giảm và xuống chỉ còn 57.500 – 60.000 đồng/kg vào cuối năm 2022. Như vậy, tính chung năm 2022 giá tiêu đã giảm từ 27 - 30% và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Thời điểm hiện tại, mặc dù đã vào vụ mùa hồ tiêu năm 2023 nhưng thanh khoản thị trường trong nước vẫn khá chậm do Room tín dụng bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là thách thức lớn đối với thị trường nội địa trong thời gian tới.

Ngoài ra ảnh hưởng của xung đột Đông Âu, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát kinh tế toàn cầu kéo dài ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Âu và Mỹ.

Riêng thị trường Trung Quốc, dù nước này đã nới lỏng chính sách Zero COVID. Tuy nhiên VPA dự kiến phải đến đầu quý II/2023, sức mua mới có thể tăng trở lại.

Một số nhận định cho rằng giá tiêu vẫn chịu áp lực giảm trong nửa đầu năm 2023 do nguồn cung dồi dào với một lượng đáng kể tiêu tồn kho từ năm trước chuyển sang và Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch mới với sản lượng dự kiến cao hơn khoảng 5% so với năm 2022.

Theo nhận định của bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), những tháng quý I/2023, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.

“Trong năm 2023, chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách. Nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính; Trung Quốc là bài học điển hình”, bà Liên nói

 Xem chi tiết báo cáo hồ tiêu năm 2022 tại đây:     

 

Hoàng Hiệp - Thiết kế: Alex Chu