|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường đường tháng 11/2021: Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành đường dự báo tăng mạnh

17:36 | 20/12/2021
Chia sẻ
Giá bán đường tăng, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành được dự báo tăng mạnh trong năm tới.

Theo thông tin từ tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 11, chỉ số giá giao dịch đường thô và đường trắng có xu hướng tăng. Hiện tượng giá ethanol tại thị trường Bazil tăng và cước tàu hàng rời loại lớn giảm mạnh khiến việc mua đường thô Brazil trở nên dễ dàng hơn có vẻ đã ảnh hưởng đến xu hướng tăng của giá đường.

Tuy nhiên nửa sau của tháng 11 đã có nhiều sự kiện liên quan đến thị trường đường xảy ra, đầu tiên là việc Mỹ, Nhật, Trung Quốc quyết định giải phóng tồn kho dầu nhằm hãm đà tăng giá dầu, kế đó là việc phát hiện về biến chủng Omicron tại Nam Phi có thể lây lan rất nhanh khiến thị trường dầu đã phản ứng giảm giá ngay lập tức kéo theo giá đường cũng giảm về cuối tháng.

Giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) đạt trung bình 19,4 cent/lb trong tháng 11, tăng so với 19,2 cent/lb trong tháng 10 nhưng giảm so với mức 19,6 cent/lb của tháng 9.

Chỉ số giá đường trắng ISO cũng tăng lên 509,5 USD/tấn so với 507,7 USD/tấn của tháng 10 và mức 501,2 USD/tấn của tháng 9.

Còn theo dữ liệu của tradingeconomics.com về theo dõi giá đường 5 năm, mức giá đường thô thế giớiđầu tháng 12/2021 vẫn đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây (kể từ năm 2017).

Công ty chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp ngành đường được sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ giá đường tăng khiến biên lợi nhuận được nới rộng.

Theo đó, lãi ròng của TTC Sugar có thể tăng 38% niên độ 2021 – 2022, lợi nhuận sau thuế của Mía đường Sơn La có thể tăng 65% năm tới, lãi sau thuế của Đường Quảng Ngãi có thể đạt 1.700 tỷ năm 2022.

[Báo cáo] Thị trường đường tháng 11/2021: Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành đường dự báo tăng mạnh - Ảnh 1.

Diễn biến giá trung bình đường thế giới trong tháng 11 (Nguồn: ISO. Đơn vị: cent/lb).

Tại trong nước, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã chi ra số tiền kỷ lục 684 triệu USD để nhập khẩu 1,44 triệu tấn đường, cao hơn so với 546,8 triệu USD để nhập khẩu 1,35 triệu tấn đường của cùng kỳ năm 2020.

VSSA dự báo nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 97.000 tấn đường năm 2021, ngoài ra trong tháng 12 sẽ bắt đầu có đường từ vụ ép 2021-2022.

Như vậy các nguồn cung dồi dào và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 12 và các tháng kế tiếp, do đó ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Chi tiết Báo cáo thị trường đường tháng 11/2021 tại đây:

Hoàng Hiệp - Hoàng Kiều - Đức Bùi