Bán vé siêu rẻ trở thành chiến lược giảm lỗ cho các hãng hàng không
Chuyến bay từ Bắc Kinh tới Hàng Châu chỉ có mức giá 180 tệ (26 USD). Đó chỉ là một trong số những hành trình có giá siêu rẻ đang thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ về số lượng hành khách trên các chuyến bay và có thể trở thành bài học cho ngành hàng không toàn cầu.
Hồi tháng 6, China Eastern Airlines bán gói chuyến bay cuối tuần không giới hạn số chuyến trong thời gian còn lại của năm với giá 3.322 tệ (485 USD). Sau đó, nhiều hãng hàng không ở Trung Quốc đã giảm giá để kéo hành khách lên máy bay, theo Reuters.
Hiện tại, thành công của Trung Quốc trong việc giảm thiểu mức độ lây lan của đại dịch COVID-19 khiến người dân lấy lại sự tự tin để di chuyển bằng máy bay.
"Chúng ta sắp chứng kiến giai đoạn một số hãng hàng không trả tiền cho hành khách, cung cấp chỗ ngồi miễn phí và sau đó tìm cách tạo ra doanh thu từ dịch vụ phụ trợ, đồng thời xây dựng lại niềm tin của hành khách", John Grant, trưởng nhóm phân tích của OAG, phát biểu.
Hãng hàng không Vietjet ở Việt Nam đã tiến tới gần mục tiêu đó khi mở bán vé cho Tết âm lịch năm sau với giá từ 2.021 đồng trên tất cả chặng bay nội địa. Các hãng hàng không ở Mỹ đang áp dụng giải pháp tương tự.
Tuần trước, nhiều hãng hàng không lớn ở Mỹ đã loại bỏ vô thời hạn phí thay đổi và hủy đặt chỗ. Quyết định ấy phá hỏng mô hình bán vé thương gia (vì họ trả mức giá cao để đổi lấy sự linh hoạt trong thời gian di chuyển) nhưng sẽ giúp các hãng kích cầu đi lại trong bối cảnh số lượt khách tháng 7 thấp hơn đến 73% so với năm 2019.
Dữ liệu từ OAG cho thấy tại Mỹ và châu Âu, nơi số ca COIVD-19 cao hơn Trung Quốc, các hãng hàng không vẫn đang giảm lịch bay trong tương lai, trong khi lượng khách đi công tác bằng đường hàng không vẫn rất thấp.
Trong khi đó, theo OAG, ngành hàng không Trung Quốc đã phục hồi hơn 90% mức trước đại dịch, một phần do phong trào du lịch vào mùa hè. Thậm chí China Southern Airlines, hãng có thị phần nội địa lớn nhất Trung Quốc,đã quay trở lại mức tăng trưởng công suất hàng năm vào tháng 8. Dự báo cho thấy hàng không Trung Quốc sẽ phục hồi về mức như năm ngoái vào cuối năm 2020.
Giới phân tích nhấn mạnh mọi chiến lược giá chỉ hiệu quả nếu người dân đủ tự tin để đi máy bay. Ví dụ, ở New Zealand và Việt Nam - nơi chính phủ đã thành công trong nỗ lực giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh - hoạt động hàng không nội địa diễn ra mạnh mẽ, và công suất chỉ giảm sau khi đại dịch tái bùng phát.
"Các hãng hàng không và ngành du lịch bên ngoài Trung Quốc quan sát họ với sự ghen tị. Họ có thể học hỏi một số kinh nghiệm của Trung Quốc để thúc đẩy phục hồi thành công. Nhưng mọi chiến lược phải bắt đầu với việc ngăn chặn dịch một hiệu quả", ông Derek Sadubin, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Hàng không CAPA, bình luận.
Ngay cả khi số lượng hành khách tăng dần, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn phải chờ lâu mới thấy lợi nhuận. Ba hãng hàng không hàng đầu Trung Quốc đã chịu khoản lỗ tổng cộng khoảng 1,8 tỉ USD trong quý II/2020.
Ivan Su, nhà phân tích của Morningstar, dự báo số lượng hành khách nội địa của Air China sẽ giảm 20% trong năm nay, còn số lượng khách của China Southern và China Eastern có khả năng giảm lần lượt là 19% và 15%.
Những giới hạn nghiêm ngặt đối với các chuyến bay quốc tế cũng thúc đẩy các hãng hàng không Trung Quốc triển khai phi cơ thân rộng cho các chuyến nội địa nhằm giảm bớt tình trạng đốt tiền vì xếp xó máy bay. Tuy nhiên, việc đó dẫn đến tình trạng tăng công suất vận chuyển - một yếu tố có thể tạo thêm áp lực lên giá vé.