|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bạn trẻ khởi nghiệp: khi nào bạn 'bỏ thì thương, vương thì tội'

07:19 | 14/01/2017
Chia sẻ
“Em mở công ty chuyên bán hàng qua mạng được được mấy năm mà quy mô vẫn nhỏ, doanh thu phập phù không ổn định. Nhiều lúc em chỉ muốn bỏ cuộc cho rồi nhưng lại thấy tiếc tiếc. Em rất khó xử..."

Một trong những bạn trẻ gửi mail cho tôi, đại ý: “Em mở công ty chuyên bán hàng qua mạng được được mấy năm nay mà quy mô vẫn nhỏ, còn doanh thu thì phập phù không ổn định. Tóm lại, là chưa đạt lòng mong đợi của em nên nhiều lúc chỉ muốn bỏ cuộc cho rồi nhưng lại thấy tiếc tiếc. Còn tìm người chuyển nhượng lại thì tìm không ra, thậm chí muốn tặng không luôn cho nhân viên cũng không ai dám nhận! Em rất khó xử và mong có được một lời khuyên”.

Bạn trẻ rõ ràng đang đứng trước một quyết định vô cùng khó khăn, nhưng lại rất điển hình mà ai từng kinh doanh đủ lâu chắc cũng trải qua ít nhất một lần. Đó là quyết định có nên tiếp tục duy trì cái công việc kinh doanh không được như ý mà mình đã dày công xây dựng, kiểu như “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Thà là nó thất bại hoàn toàn để dễ tính toán, còn đằng này sống không ra sống, chết không ra chết, cứ ngất nga ngất ngưởng, sống lây lất qua ngày. Không còn gì chán bằng!

Nhớ lần đầu tiên đóng cửa cái quán bar nhạc jazz kinh doanh lỗ lã cách đây mấy chục năm, sao mà khó khăn quá, nhưng khi đóng được rồi thì ôi thôi, nó sung sướng vô cùng! Cảm giác như vừa trút bỏ ra khỏi người một gánh nặng hàng trăm ký lô. Nhẹ cả người! Rồi mau mau quên nó đi để bắt đầu lại từ đầu. Cũng may là trí nhớ tôi trong mấy vụ này thường không được tốt lắm.

Tôi không có ý định nói với các bạn trẻ là cứ thấy khó khăn, chán nản trong kinh doanh là cứ quẳng gánh mà bỏ chạy cho xong. Ngược lại nữa là khác, phải cố gắng chiến đấu hết mình, tận lực cho cái sự nghiệp mà mình đánh đổi nhiều thứ để gầy dựng nên. Nhưng một khi đã mất hết niềm đam mê và sự hứng khởi, mất hết lòng tin vào tiềm năng phát triển và khả năng thành công của dự án, thì nên trung thực với chính mình để biết từ giã nó.

Khi đó bạn có thể kiểm chứng bằng cách trả lời một câu hỏi thật đơn giản: “Nếu biết trước những gì đang xảy ra như ngày hôm nay thì liệu bạn có muốn dấn thân vào mở công ty này hay không?”. Nếu câu trả lời là “không”, thì đã đến lúc bạn nên nói lời chia tay mà không còn gì tiếc nuối.

Không có sự chia tay nào là dễ dàng cả. Nhưng điều gì đến thì phải đến, thà chết sớm còn hơn chết lần chết mòn, càng kéo dài thì chi phí cơ hội càng lớn. Nghĩa là, dính dây dưa vào một dự án “không tương lai” sẽ làm mất cơ hội để bước vào những dự án “có tương lai” khác.

"Cao thủ võ lâm" không phải là người lúc nào cũng chỉ biết chiến thắng mà còn phải biết cách thua để bảo tồn lực lượng, rồi chiến thắng lớn hơn sau này.

Trở lại trường hợp của bạn trẻ đặt câu hỏi từ đầu, nếu không nhầm thì bạn có dấu hiệu mệt mỏi và niềm tin vào những gì mình gầy dựng bị lung lay dữ dội. Bạn không còn khả năng truyền lửa cho những người xung quanh. Và dĩ nhiên không còn thấy ánh sáng phía bên kia đường hầm.

Cho nên việc giao lại đứa con tinh thần của mình cho người khác nuôi dưỡng là hoàn toàn hợp lý. Có những thứ mà mình nghĩ không còn sử dụng được nữa lại là một kho báu đối với người khác (thành ngữ tiếng Anh mới có câu “One man’s trash is another man’s treasure” là vậy). Vấn đề ở chỗ làm cách nào để tiếp cận được nhiều người mua hơn nữa, chứ không phải lòng vòng mấy người quen chung quanh mình.

Ở Việt Nam bây giờ đã hình thành một vài sàn giao dịch doanh nghiệp, nơi mà người bán và người mua công ty có thể gặp nhau. Bán 1 đôla cũng là bán, cũng khác với cho không hay đóng cửa, vì người mua lúc nào cũng có sự trân trọng trong đó.

Tuy nhiên, điều trên nói dễ hơn làm, nhất là trong môi trường kinh doanh mà văn hoá sĩ diện còn rất nặng nề. Thà im lặng đóng cửa còn hơn rao bán nơi công cộng.

Tóm lại, thương trường cũng như chiến trường, đã bước vô là phải chấp nhận có thắng có thua, và khi thua thì phải biết rút lui đúng lúc để hạn chế tối đa thiệt hại. Đó là chuyện bình thường trong một nền kinh tế năng động.

Nếu như từ khoá “khởi nghiệp” đang chiếm lĩnh thị trường thì một ngày không xa từ khoá “cần bán công ty” sẽ lên ngôi.

Thất bại hay chưa thành công (và không biết chừng nào mới thành công) sẽ trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Nói khác đi, nếu khởi đầu của chương khởi nghiệp cần phải có bản lĩnh, kiến thức, kỹ thuật thì kết thúc của chương đó cũng phải tương tự.

Cũng phải có bản lĩnh và có kỹ thuật để kết thúc. Biết gánh lên được thì khi cần thiết cũng phải biết bỏ nó xuống.

Doanh nhân LÝ QUÝ TRUNG