Bán tháo tiếp diễn, 27 mã VN30 giảm sàn phiên đầu tuần, vốn hóa tiếp tục bốc hơi hàng trăm nghìn tỉ đồng
Áp lực bán tháo tiếp diễn, nhóm VN30 chứng kiến 27 mã giảm sàn
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (23/3), áp lực bán tháo lại tiếp tục diễn ra trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh Việt Nam liên tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới dịch COVID-19.
Kết phiên, VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh thứ hai trong lịch sử thị trường chứng khoán, sau phiên giảm 6,28% vào ngày 9/3. Hai chỉ số cũng ghi nhận mức giảm lần lượt 5,24% và 4,57%.
Nhà đầu tư chịu áp lực tâm lí nặng nề khi chứng kiến hàng trăm cổ phiếu giảm sàn "trắng bên mua", trong đó thậm chí có cả những mà bluechip vốn được coi là trụ đỡ của thị trường. VN30-Index mất gần 41 điểm, kéo theo cả 4 hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh cùng giảm sàn.
Cả nhóm chứng kiến tới 27 mã giảm kịch sàn, từ các ngành ngân hàng, bán lẻ, dầu khí hay cổ phiếu "họ Vingroup". Tình hình thậm chí còn căng thẳng hơn khi nhiều cổ phiếu còn dư bán sàn hàng triệu đơn vị như HPG, FPT, MBB, ROS, STB, CTG.
Điểm sáng hiếm hoi được ghi nhận tại bộ đôi NVL và EIB khi hai mã này bất ngờ đảo chiều tăng giá trong phiên ATC. Trong đó, cổ phiếu NVL bật tăng từ 50.500 đồng/cp lên 52.000 đồng/cp; cổ phiếu EIB cũng hồi phục từ 15.850 đồng/cp lên 16.000 đồng/cp dù phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ.
Ngoài ra, cổ phiếu MSN ghi nhận sự hồi phục ngoạn mục từ 48.500 đồng/cp lên 49.200 đồng/cp. Đây cũng là cổ phiếu giữ giá tốt nhất cả nhóm VN30 sau khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Về mức độ ảnh hưởng lên chỉ số, cổ phiếu VNM tác động nhiều nhất lên đà giảm của VN30-Index khi lấy đi gần 5 điểm của chỉ số này trong phiên hôm nay. Tiếp sau đó, các mã TCB, VIC, VPB giảm hơn 3 điểm. Ở chiều ngược lại, hai mã NVL và EIB giao dịch tích cực cũng chỉ đóng góp hơn 0,5 điểm.
Vốn hóa bốc hơi hàng trăm nghìn tỉ đồng
Với việc nhiều cổ phiếu động loạt lao dốc, vốn hóa nhóm VN30 bị thổi bay hàng trăm nghìn tỉ đồng ngay trong phiên giao dịch đầu tuần.
Kết phiên 23/3, tổng vốn hóa cả nhóm còn lại hơn 1,8 triệu tỉ đồng, giảm 6,4% so với cuối tuần trước, tỉ lệ giảm thậm chí lên tới gần 26% nếu so sánh với thời điểm đầu tháng 3/2019, tương đương bốc hơi trên 600.000 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp có vốn hóa lớn chịu thiệt hại nặng nề nhất. Điển hình, vốn hóa của Vingroup, doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán, giảm 6,9% xuống còn 259.771 tỉ đồng, tức bị thổi bay hơn 19.000 tỉ đồng. Để dễ hình dung, con số này thậm chí còn lớn tổng vốn hóa của ngân hàng HDBbank, Sacombank hay PV Power.
Xếp sau đó, cổ phiếu của "ông lớn" ngân hàng Vietcombank giảm 7% khiến vốn hóa của nhà băng này mất gần 16.000 tỉ đồng, hiện còn 212.148 tỉ đồng. Hai doanh nghiệp khác chứng kiến vốn hóa giảm trên 10.000 tỉ đồng là Vinhomes và Vinamilk.
Trong khi đó, vốn hóa của FLC Faros sau chuỗi lao dốc đã giảm xuống còn dưới 3.000 tỉ đồng, mức thấp nhất trong nhóm. So với các doanh nghiệp khác trên sàn HOSE, vốn hóa của FLC Faros đã rơi khỏi top50, xuống vị trí thứ 72.
Nếu tình hình không được cải thiện, không bất ngờ khi cổ phiếu ROS sẽ bị loại khỏi danh mục VN30 trong kì cơ cấu tới. Kịch bản tương tự có thể cũng xảy ra với cổ phiếu CTD, với vốn hóa đang xếp ở vị trí thứ 62.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL tăng 2% đóng góp thêm 970 tỉ đồng vốn hóa thị trường, trong đó Eximbank cũng góp thêm 61 tỉ đồng.
Theo thống kê của Chứng khoán MBS, nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 về sát đáy 5 năm trước (2015) như FPT, MBB, REE, BVH hoặc nhiều mã giảm trên 20% như CTD, GAS, HPG. Công ty chứng khoán này cho rằng, cơ hội đang dần xuất hiện đối với những nhà đầu tư trung và dài hạn.
Nhịp giảm mạnh đã có dấu hiệu chậm lại trong các phiên gần đây, ở giai đoạn này thị trường đã ổn định hơn, điểm mấu chốt vẫn là tìm kiếm động lực để kích cầu trở lại sau bệnh dịch.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt nhận định thị trường sẽ biến động cân bằng hơn trong tuần này khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs qua đi. Dù rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu, tuy nhiên VN-Index có thể bắt đầu xuất hiện các phiên hồi phục đan xen trong tuần tới.
Chứng khoán BSC cũng cho rằng, những phiên hồi kĩ thuật sẽ sớm diễn ra trong vùng quá bán dù vậy tín hiệu rõ ràng hơn như nến shakeout hoặc doji sau đáy hấp thụ đà bán khá quan trọng trước khi xác nhận một xu hướng hồi phục.