|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân bán vừa có tháng rút tiền về mạnh nhất, nhưng vẫn gom vào nghìn tỷ đồng VHM, VPB và DIG

07:22 | 06/05/2022
Chia sẻ
Tâm lý kém tích cực trong tháng 4 đã khiến NĐT cá nhân trong nước có tháng bán ròng mạnh nhất sau hơn một năm với giá trị 4.555 tỷ đồng. Các cá nhân nội bán ra trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành, nhưng vẫn duy trì mua gom hơn nghìn tỷ đồng các mã VHM, VPB và DIG.

 Ảnh: Thu Hà.

Sau khi tăng lên mức đỉnh 1.524 điểm vào ngày 4/4, VN-Index quay đầu giảm mạnh về vùng 1.310 điểm, đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số chính sàn HOSE kể từ cuối tháng 8/2021. Nhịp hồi phục nhẹ về cuôi tháng giúp chỉ số tạm dừng ở 1.366,8 điểm, mất đi 125,35 điểm tương đương 8,4% trong tháng 4.

Việc thị trường giảm mạnh trong tháng 4 đến từ nhiều thông tin kém tích cực. Có thể kể đến như việc tâm lí thị trường kém lạc quan sau nhiều thông tin khiển trách, xử phạt, thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng và áp lực giải chấp margin lớn gây ảnh hướng trên diện rộng, tác động đến cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.

Trong tháng 4, thanh khoản bình quân giảm 27% so với tháng trước đó. Giá trị giao dịch bình quân tại HOSE chỉ đạt 23.701 tỷ đồng, trong đó thanh khoản ghi nhận tại HNX là 2.694 tỷ đồng/ngày, giảm 28% so với đầu tháng.

Thống kê diễn biến giá cổ phiếu, toàn bộ các ngành ghi nhận giảm điểm trong tháng 4, với đà giảm mạnh nhất thuộc về các ngành dầu khí (-20,9%), xây dựng và vật liệu (-19,6%) và dịch vụ tài chính (-18,1%). Sự phân hóa mạnh mẽ diễn ra chính trong các nhóm ngành vào những phiên phục hồi nhẹ về cuối tháng.

 

 Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân từ tháng 1/2021 đến nay. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)

 

Đáng chú ý, cung cầu thị trường đã có sự thay đổi vị thế rõ rệt giữa các nhóm nhà đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu mua ròng 3.439 tỷ đồng trong tháng 4, trái ngược so với mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3 và đánh dấu dòng vốn ngoại trở lại sau gần 1 năm bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân lại chuyển bán ròng 4.555 tỷ đồng trên HOSE trong đó bán ròng khớp lệnh là 3.787 tỷ đồng, trở thành lực bán duy nhất trên thị trường.

Dòng tiền nội ồ ạt rút khỏi nhóm thực phẩm đồ uống, hàng & dịch vụ công nghiệp, ngân hàng

Thống kê giao dịch khớp lệnh tại HOSE, xu hướng rút ròng của các cá nhân trong nước được ghi nhận áp đảo tại 14/18 nhóm ngành. Đây cũng là tháng ghi nhận giao dịch tiêu cực nhất của nhóm này kể từ đầu năm.

Đáng chú ý, các cổ phiếu nhóm thực phẩm & đồ uống là nhóm bị xả ròng mạnh nhất giữa áp lực bán trên diện rộng của các cá nhân trong tháng 4. Đây cũng là nhóm duy nhất bị bán ra trên 1.000 tỷ đồng, trái ngược so với xu hướng mua gom trong tháng trước đó. 

Bên cạnh đó, phần lớn lực xả cũng tập trung tại hai nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị 846 tỷ đồng, trước khi tìm đến cổ phiếu của các nhà băng (768 tỷ đồng). Trong đó, mặc dù không nằm ngoài áp lực giảm điểm của thị trường, nhóm ngân hàng là số ít các ngành ghi nhận thanh khoản cải thiện trong tháng 4 với mức tăng 8%, giữ vững vị trí thứ hai về giá trị giao dịch. 

Nối tiếp, các cá nhân trong nước lần lượt bán ròng nhẹ hơn các cổ phiếu ngành bán lẻ (414 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (410 tỷ đồng), hoá chất (409 tỷ đồng), công nghệ thông tin (351 tỷ đồng)…

 

(Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

 

Trái chiều, giao dịch gom mua nhiều nhất lại xuất hiện ở các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính với giá trị 723 tỷ đồng. Tuy vậy, cần lưu ý rằng sức mạnh dòng tiền vào nhóm này đã giảm gần 50% so với mức ghi nhận trong tháng 3.

Ngoài ra, lực cầu mua gom với quy mô tương đối khiêm tốn chỉ được ghi nhận tại 3 nhóm ngành, lần lượt là tài nguyên cơ bản (268 tỷ đồng), bảo hiểm (211 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (134 tỷ đồng).

Rút ròng khỏi loạt bluechips, NĐT cá nhân xuống tiền mua gom hàng nghìn tỷ đồng bộ ba VHM, VPB, DIG

Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu VNM dẫn đầu về giá trị bán ròng toàn thị trường với 570 tỷ đồng. Đối lập với nhà đầu tư nội, khối ngoại và cổ đông lớn vẫn miệt mài mua gom cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam. Trong đó Platinum Victory Pte. Ltd. Đăng ký mua gần 21 triệu cổ phiếu từ ngày 21/4 đến 20/5 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 11,62%. 

Có phần khiêm tốn hơn, “ông lớn” cùng ngành MSN cũng bị bán ròng 317 tỷ đồng dù đồng thời là tâm điểm hút vốn ngoại khi được mua ròng 295 tỷ đồng. Hoạt động rút vốn mạnh của nhà đầu tư trong nước diễn ra trong bối cảnh Masan Group vừa hoàn tất đợt phát hành 236 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó nâng khối lượng đang lưu hành lên hơn 1,4 tỷ cổ phiếu.

Là một trong những nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tháng 4, có hai đại diện của các nhà băng góp mặt trong danh mục xả ròng của các cá nhân là ACB (513 tỷ đồng) và TCB (367 tỷ đồng). Kế đó, giao dịch rút vốn mạnh cũng xuất hiện tại NVL (486 tỷ đồng), MWG (440 tỷ đồng), VRE (347 tỷ đồng)…

 

 (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

 

Chiều ngược lại, mặc dù bán ròng nhiều cổ phiếu bluechips, nhà đầu tư cá nhân lại rót ròng trên nghìn tỷ đồng vào bộ ba cổ phiếu VHM VPB và DIG. Cổ phiếu của CTCP Vinhomes dẫn đầu khi được gom ròng 1.188 tỷ đồng. Dòng tiền tích cực nhập cuộc khi thị giá VHM cùng nhiều cổ phiếu bất động sản đã quay lại vùng giá thấp nhất 1 năm sau khi liên tục lao dốc mạnh.

Theo sau, VPB của VPBank là cái tên hiếm hoi của nhóm ngân hàng góp mặt trong danh mục gom ròng với quy mô 1.061 tỷ đồng. Đây cũng là mã gây chú ý trong tháng 4 khi nhiều lần ngược dòng nâng đỡ thị trường với thanh khoản bùng nổ. Mới đây, nhà băng này cũng đã vươn lên vị trí quán quân lợi nhuận hợp nhất trong quý I với mức lãi kỷ lục 11.146 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ và soán ngôi đầu của Vietcombank.

Với tâm lý thận trọng, nhà đầu tư cá nhân theo sau chỉ gom ròng nhẹ hơn ở danh mục gồm HPG (363 tỷ đồng), VND (302 tỷ đồng), VHC (298 tỷ đồng), CTD (267 tỷ đồng), TTF (193 tỷ đồng)…

Thảo Bùi