BSC: Kịch bản tích cực VN-Index có thể trở lại vùng 1.450 - 1.480 điểm trong tháng 5
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 5 và đưa ra hai kịch bản cho VN-Index.
Trong kịch bản thứ nhất, VN-Index được dự báo quay trở lại xu hướng hồi phục sau chuỗi thời gian giảm điểm khi quay trở lại kiểm tra vùng 1.380 - 1.400 điểm, đồng thời hướng đến vùng 1.450 - 1.480 điểm khi tâm lý thị trường tích cực trở lại sau động thái quyết tâm làm lành mạnh thị trường tài chính nói riêng và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khôi phục nền kinh tế nói chung của chính phủ.
Đồng thời, diễn biến địa chính trị và giá cả hàng hóa vận động theo xu hướng tích cực, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa khi các cổ phiếu chủ chốt được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt.
Trong kịch bản tiêu cực hơn, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục khó lường. Diễn biến Nga – Ukraine chưa chấm dứt bên cạnh những biện pháp trừng phạt và đáp trả mới giữa Nga và các nước phương Tây khiến thị trường tiếp tục trong tâm lý thận trọng.
Mặt khác, Fed sẽ bắt đầu đợt nâng lãi suất tiếp theo với mức độ lớn hơn điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán BSC dự báo VN-Index dao động trong khoảng 1.350 ± 50 điểm.
Điểm qua về diễn biến thị trường tháng 4, giới đầu tư chứng kiến những phiên giảm điểm liên tiếp khi VN-Index mất 8,4% còn HNX-Index mất 18,64%. Thị trường chứng kiến sự sụt giảm ngay từ đầu tháng và đà giảm có dấu hiệu chững lại vào giai đoạn cuối tháng.
P/E VN-Index kết thúc tháng 4 ở mức 14,91 lần, giảm 8,53% so với tháng 3 và thấp hơn mức 16,4 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index hiện đang ở mức định giá hấp dẫn khi đứng thứ 9 châu Á sau những phiên giảm điểm mạnh.
P/E VN-Index dự báo quay trở lại vận động trong vùng 16 -16,5 khi tâm lý thị trường ổn định trở lại, kết quả kinh doanh quý I cải thiện và nền kinh tế tiếp tục có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Nhịp điều chỉnh giảm sâu của thị trường trong tháng 04 chứng kiến 11/11 nhóm ngành cấp 1 đều giảm điểm. Tâm lý tiêu cực diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành.
Nhóm ngành dầu khí, công nghiệp, tài chính là 3 nhóm ngành có diễn biến giảm điểm mạnh nhất lần lượt mất 18,4%, 12,27% và 10,54%.
Nhóm ngành công nghệ thông tin, tiện ích cộng đồng và viễn thông là 3 nhóm ngành có mức độ giảm điểm ít nhất với mức giảm lần lượt là: 3,87%, 5,02% và 5,13%.
Có 3/11 nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường 14.91 lần. Chỉ có 5/11 ngành có P/B tăng so với T3.2022;
BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, mức định giá đã ở mức hấp dẫn trong xu hướng giảm điểm vừa qua như nhóm ngành ngân hàng, nguyên vật liệu, năng lượng…
Trong tình hình gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, có thể cân nhắc phân bổ danh mục các cổ phiếu thuộc nhóm ngành: bán lẻ, công nghệ thông tin, hóa chất, thủy sản, dệt may, cảng biển…